Trời nóng, công nhân càng “ngóng” nhà ở xã hội!
Công nhân “ngóng” nhà ở xã hội
Trong căn phòng rộng chừng 10m2 tại thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, chị Nguyễn Thị Oanh, quê Nghệ An (hiện đang làm việc tại Công ty TNHH Linh kiện Điện tử SEI – Việt Nam) đang cố gắng làm giảm cái nóng bức của mùa hè bằng mọi cách như: Mở cửa, lau nhà, bật quạt… Theo chị Oanh, với mức lương bình quân khoảng 6 triệu đồng/tháng, chị Oanh chỉ có thể thuê phòng nhỏ để tiết kiệm chi phí nhất có thể.
Dưới cái nóng như đổ lửa, công nhân đi làm về phải ở trong những căn nhà trọ không đủ tiện nghi. Do đó, công nhân mong mỏi sớm có nhà ở xã hội để được thuê, mua. Ảnh: Lương Hằng |
Chắt bóp từng đồng để lo cho bản thân và gia đình ở quê, song chị Oanh cũng gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt vì thời tiết những ngày gần đây nắng gắt. “Do tôi ở một mình nên phòng cũng không quá chật, tuy nhiên, khó khăn nhất là khi thời tiết nắng nóng. Có những ngày đi làm ca đêm về mệt mỏi nhưng tôi cũng không thể ngủ vì trong phòng quá nóng”- chị Oanh cho hay.
Cùng khu trọ với chị Oanh, vợ chồng anh Ngô Văn Chung (hiện đang là tài xế Grap) cho biết gia đình anh có 2 vợ chồng và 2 con nhỏ đã thuê trọ tại đây nhiều năm. Gia đình 4 người sống trong 1 căn phòng nhỏ cũng có nhiều bất tiện. Không gian sinh hoạt nhỏ nên các con không có phòng riêng cũng như điều kiện học tập thoải mái. Do nguồn thu không ổn định, chi phí sinh hoạt lại cao (mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng) nên việc mơ ước có một ngôi nhà của mình là điều mà anh chị không dám nghĩ đến.
Tuy nhiên, sau khi biết đến chính sách xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân lao động của thành phố Hà Nội, anh Chung như thắp lên được niềm hi vọng một ngày nào đó vợ chồng anh sẽ có cơ hội được thuê hoặc mua nhà ở xã hội. “Tôi rất mong các dự án xây nhà ở xã hội cho công nhân lao động sớm được triển khai để người lao động thu nhập thấp như chúng tôi sẽ có ngôi nhà của riêng mình, để chúng tôi an cư, lạc nghiệp, cho các con một môi trường sống tốt nhất” – anh Chung bày tỏ.
Đồng tình với ý kiến của anh Chung, chị Oanh cho rằng, việc sớm triển khai xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân sẽ tạo điều kiện để những lao động ngoại tỉnh thu nhập thấp như chị có cơ hội được tiếp cận với nhà ở xã hội, qua đó, tạo động lực cho người lao động phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống và cố gắng cống hiến, đóng góp sức lực cho sự phát triển chung của doanh nghiệp.
Chị Vũ Thị Thu – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toyoda Giken Việt Nam cho rằng, hiện tại, số lượng lao động đang thuê trọ trên địa bàn thành phố Hà Nội rất nhiều. Mùa hè nóng bức, nhiệt độ có thể lên tới 40 độ sẽ là “cực hình” với người lao động. Do đó, chị Thu mong Thành phố sớm triển khai xây dựng nhiều khu nhà ở cho công nhân để người lao động có thể được hưởng cuộc sống tốt hơn, gắn bó với công ty và chung tay xây dựng công ty ngày càng phát triển.
Đảm bảo lộ trình để công nhân tiếp cận nhà ở xã hội
Tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động Thủ đô năm 2023 vừa qua, công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố cũng đã kiến nghị nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm của người lao động với lãnh đạo Thành phố. Trong đó có chính sách nhà ở xã hội cho công nhân lao động.
Trả lời kiến nghị của công nhân lao động về vấn đề này, đồng chí Võ Nguyên Phong – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết: Vấn đề phát triển nhà ở xã hội cho công nhân là vấn đề được Trung ương, Thành phố, Thành ủy, các cấp, các ngành vô cùng quan tâm. Trong những năm qua, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2030, Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, trong đó đã định hướng chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, hiện nay, Thành phố có 3 Khu công nghiệp là: Thạch Thất – Quốc Oai, Thăng Long (huyện Đông Anh), Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có dự án nhà ở đáp ứng gần 20% nhu cầu về chỗ ở của công nhân lao động. Các khu công nghiệp còn lại đều chưa có nhà ở cho công nhân; do vậy khoảng trên 80% công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ ở các khu dân cư. Trong đó, một số khu nhà trọ diện tích chật hẹp, an ninh trật tự và vệ sinh môi trường chưa đảm bảo, mức giá thuê trọ và tiền điện, tiền nước cao,… |
Đồng chí Võ Nguyên Phong cũng cho biết thêm, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, Thành phố cũng đã có nhiều kế hoạch triển khai phát triển nhà ở cho công nhân. Trong giai đoạn tiếp theo, Thành phố sẽ tiếp tục rà soát, dành quỹ đất để tiếp tục phục vụ công tác phát triển nhà xã hội trên địa bàn; rà soát điều chỉnh quy hoạch để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ với các thiết chế Công đoàn phục vụ nhu cầu nhà ở cho công nhân, người lao động.
Đồng thời, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, các quận, huyện, thị xã tổ chức thực hiện các giải pháp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất của Thành phố đều có khu nhà ở xã hội phục vụ công nhân, người lao động.
Liên quan đến vấn đề nhà ở cho công nhân, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, Thành phố sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ, dự án để trong nhiệm kỳ này khởi công được một số nhà ở xã hội theo kế hoạch, chương trình 1 triệu nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu của người lao động.
“Các doanh nghiệp đã tương đối sẵn sàng, Thành phố mong muốn cuối năm 2023 và 2024 tập trung khởi công một số khu nhà. Thành phố sẽ làm đồng bộ, tập trung, quan tâm đến việc công nhân có thể tiếp cận được không dựa trên khoảng cách địa lý. Hà Nội cũng sẽ có chính sách riêng để công nhân với mức lương bình quân 7 triệu đồng có thể tiếp cận được nhà ở xã hội, có tính khả thi. Thành phố đang rất quyết liệt nhưng việc này cần có thời gian nhất định, kế hoạch và lộ trình cụ thể”, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô