Trình Chính phủ hàng loạt nghị định liên quan đến tiền lương, các loại trợ cấp

Theo đó, về nội dung xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định chính sách tiền lương đối với người lao động khu vực doanh nghiệp, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội, Chính phủ giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan Trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định.

Bao gồm: (1) Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; (2) Nghị định về quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp Nhà nước; (3) Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

(4) Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 53/2023/NĐ-CP; (5) Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Bộ cũng được giao ban hành các thông tư hướng dẫn thực hiện theo các điều, khoản được giao tại 5 Nghị định nêu trên.

Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu, nguồn và trình cấp có thẩm quyền bổ sung kinh phí còn thiếu do thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng.

Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù; báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV.

Trình Chính phủ hàng loạt nghị định liên quan đến tiền lương, các loại trợ cấp
Ảnh minh họa.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cho phù hợp.

Trong đó, làm rõ thẩm quyền của người đứng đầu được sử dụng tiền lương và kinh phí thường xuyên để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị và được quyết định mức chi trả thu nhập gắn với nhiệm vụ được giao.

Các bộ, ngành, cơ quan rà soát trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và chế độ đặc thù của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, mà trong quá trình thực hiện phát sinh bất hợp lý.

Chính phủ cũng giao Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các bộ, ngành, địa phương, báo cáo Bộ Chính trị thông qua hệ thống danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Bộ Nội vụ cũng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu đánh giá, sơ kết Nghị quyết số 27-NQ/TW cho phù hợp với thực tiễn, để trình Trung ương xem xét, quyết định. Thời gian hoàn thành trong năm 2026.

Các bộ, ngành, địa phương chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, gắn với yêu cầu cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27- NQ/TW trong năm 2024 và các năm sau.

Một trong những nội dung quan trọng nữa là hoàn thiện chế độ nâng bậc lương. Theo đó, Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến chế độ nâng bậc lương, và kéo dài thời hạn nâng bậc lương đối với cán bộ, công chức, viên chức cho phù hợp.

Cùng với đó, xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy định chính sách tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 1/7/2024.

Cụ thể: (i) Xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng hưởng lương, phụ cấp trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị – xã hội và hội; Thông tư hướng dẫn thực hiện điều chỉnh mức trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã, phường, thị trấn già yếu đã nghỉ việc.

(ii) Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức để trả lương, thưởng theo kết quả thực thi nhiệm vụ.

(iii) Kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và vấn đề phát sinh để xử lý theo thẩm quyền, hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý trong quá trình thực hiện các nội dung cải cách chính sách tiền lương.

(iv) Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.

P.Diệp

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích