Triệu Sơn (Thanh Hóa): Xưởng sơ chế gỗ keo “chui” hoạt động nhiều năm không bị xử lý

(Xây dựng) – Trong quá trình tác nghiệp, xác minh thông tin về tình trạng lợi dụng việc mở rộng đường giao thông để khai thác đất trái phép tại xã Bình Sơn (Triệu Sơn, Thanh Hóa), Phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã nhận được thông tin từ người dân về một xưởng sơ chế gỗ keo hoạt động không phép trên đất rừng sản xuất, hoạt động vài năm nay nhưng chưa bị chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý.

Triệu Sơn (Thanh Hóa): Xưởng sơ chế gỗ keo “chui” hoạt động nhiều năm không bị xử lý
Xưởng gỗ “chui” không phép tại xã Bình Sơn đang hoạt động.

Xưởng chế biến gỗ nằm giáp trục đường chính của xã, cách trụ sở UBND khoảng hơn 1km, thuộc địa bàn thôn Bao Lâm. Theo quan sát của Phóng viên, xưởng gỗ “chui” này có tổng diện tích tới vài nghìn m2, bao gồm: Nhà xưởng, băng chuyền, bãi tập kết nguyên liệu và sân phơi gỗ đã qua sơ chế. Khi Phóng viên có mặt, xưởng gỗ đang hoạt động nhộn nhịp với gần chục lao động đang làm việc bên máy băm dăm, hệ thống băng chuyền… và những đống gỗ đã cưa cắt thành đoạn, những đống gỗ đã băm nhỏ hoặc xẻ mỏng. Tại đây, mọi hoạt động diễn ra bình thường như đối với một cơ sở sản xuất đã được cơ quan chức năng cấp phép với đầy đủ hồ sơ, thủ tục buộc phải có theo quy định của pháp luật?

Đáng ngạc nhiên, khi làm việc với lãnh đạo UBND xã Bình Sơn về sự tồn tại và hoạt động của xưởng chế biến gỗ này. Từ ông Chủ tịch tới Phó Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính đều tỏ ra lơ mơ khi nói “hình như” xưởng gỗ này hoạt động đã vài năm nay và “hình như” chưa có giấy tờ, văn bản cho phép nào của các cấp có thẩm quyền.

Sau khi nhận được thông tin về vụ việc, lãnh đạo UBND huyện Triệu Sơn đã yêu cầu UBND xã Bình Sơn kiểm tra, xác minh. Đồng thời, chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tiến hành kiểm tra, lập biên bản vụ việc. Tiếp đó, căn cứ các quy định của pháp luật, căn cứ biên bản vi phạm hành chính và đề nghị của Phòng Tài nguyên và Môi trường, ngày 27/3/2023, UBND huyện Triệu Sơn đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Ngân Văn Trình (người đứng tên chủ khu đất này) với lý do “đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Chuyển đất trồng rừng sang đất phi nông nghiệp, diện tích 7.500m2 tại thôn Bao Lâm, xã Bình Sơn”. Mức phạt 40.000.000 đồng”.

Cùng với phạt tiền, quyết định còn kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả “buộc ông Trình khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm trong thời gian 20 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định”.

Như vậy, sau khi nắm bắt vụ việc, UBND huyện Triệu Sơn đã nhanh chóng vào cuộc, tiến hành kiểm tra và xử lý hoạt động trái phép của xưởng gỗ keo tại Bình Sơn. Hy vọng tiếp theo sự vào cuộc và xử lý kịp thời ban đầu này, UBND huyện Triệu Sơn sẽ có những biện pháp đủ mạnh, phù hợp với quy định của pháp luật để giải quyết triệt để vụ việc, tránh tạo tiền lệ xấu, gây bức xúc trong dư luận địa phương.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích