Triệu Sơn (Thanh Hóa): Chính quyền buông lỏng quản lý khiến vi phạm xây dựng của Công ty Thái Yên không được ngăn chặn?

(Xây dựng) – Chưa được giao đất, chưa có bất cứ thủ tục pháp lý nào được cơ quan có thẩm quyền cho phép, nhưng Công ty Cổ phần Sản xuất Bao bì Thái Yên (Công ty Thái Yên), đóng tại thôn Thái Lai, xã Thái Hòa đã ngang nhiên san lấp trái phép trên diện tích 1.295m2 đất nông nghiệp (trồng lúa) và xây dựng một số công trình trên đó.

Triệu Sơn (Thanh Hóa): Chính quyền buông lỏng quản lý khiến vi phạm xây dựng của Công ty Thái Yên không được ngăn chặn?
Khu đất san lấp và các công trình xây dựng trái phép của Công ty Thái Yên.

Trước sự vi phạm của Công ty Thái Yên, ngày 28/6/2022, UBND xã Thái Hòa đã tổ chức kiểm tra, lập biên bản ghi nhận sự việc. Theo nội dung biên bản, đây là khu đất lúa công ty đã nhận chuyển nhượng từ các hộ gia đình và “đang xin hoàn thiện hồ sơ thủ tục”. Thời điểm kiểm tra, công ty đang xây dựng khu nhà bảo vệ có tổng diện tích 48m2. Theo trình bày của ông Lê Văn Trưởng – Giám đốc công ty, hiện doanh nghiệp đang hoàn thiện thủ tục, nhưng do yêu cầu về tiến độ đã cam kết, nên công ty tạm xây dựng nhà bảo vệ để làm chỗ để xe, trông coi bảo vệ khi công trình được cấp phép và đi vào xây dựng. Nhà bảo vệ chỉ là hạng mục tạm, nên đề nghị UBND xã cho tiếp tục hoàn thiện. Kết thúc biên bản, UBND xã Thái Hòa đề nghị công ty dừng mọi hoạt động xây dựng tại đây cho đến khi được cấp phép.

Sau khi nắm bắt thông tin, theo chỉ đạo của UBND huyện, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Triệu Sơn đã tổ chức kiểm tra vụ việc này. Theo đó, biên bản làm việc ngày 28/12/2022 nêu “kiểm tra tại vị trí đất Công ty Thái Yên thuê làm xưởng sản xuất bao bì, hiện tại chưa được Nhà nước giao đất. Hiện trạng công ty đã san lấp: Phía Đông giáp đường trục chính 40m, phía Tây 30m, phía Nam giáp đường trục ruộng 37m, phía Bắc 37m. Nhà bảo vệ kiên cố 2 tầng, diện tích khoảng 48m2; nhà để xe khung sắt lợp mái rộng 7m, dài 28m = 196m2.

Kết luận: Việc công ty xây dựng nhà và các công trình trên đất, tự ý san lấp mặt bằng là chưa đúng quy định khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Đề nghị công ty không xây dựng thêm và khắc phục hậu quả, yêu cầu công ty tự tháo dỡ các công trình xây dựng, nhà dựng trái phép. Đề nghị UBND xã chỉ đạo công ty thực hiện các nội dung theo đúng quy định. Kết quả khắc phục báo cáo về UBND huyện trước ngày 15/01/2023.

Căn cứ biên bản trên và các quy định của pháp luật, ngày 17/01/2023, Chủ tịch UBND huyện Triệu Sơn đã ra Quyết định số 380/QĐ-XPHC, xử phạt vi phạm hành chính Công ty Thái Yên vì “đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa với diện tích 1.295m2 tại thôn Thái Lai, xã Thái Hòa”, tổng số tiền phạt 55 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu công ty phải thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo đúng quy định.

Để đảm bảo tính nghiêm minh, Quyết định xử phạt yêu cầu công ty phải chấp hành nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước huyện trong thời hạn 10 ngày. Nếu không sẽ bị cưỡng chế thi hành và nộp thêm 0,05% mỗi ngày trên tổng số tiền phạt.

Triệu Sơn (Thanh Hóa): Chính quyền buông lỏng quản lý khiến vi phạm xây dựng của Công ty Thái Yên không được ngăn chặn?
Xe tải vào ra khu vực xây dựng trái phép của Công ty Thái Hòa.

Như vậy, nhìn lại quá trình xử lý vụ việc của các cấp chính quyền từ xã đến huyện tại Triệu Sơn, có thể thấy sự thiếu kiểm tra, giám sát, thậm chí là buông lỏng, nhất là đối với UBND xã Thái Hòa, sau khi kiểm tra, lập biên bản đã “làm ngơ” cho doanh nghiệp tiếp tục xây dựng trái phép với hành vi vi phạm ngày càng lớn hơn. Biểu hiện từ thực trạng ban đầu, theo biên bản ngày 28/6/2022 do UBND xã lập, doanh nghiệp này mới chỉ “đang xây dựng nhà bảo vệ diện tích 48m2”. Nhưng sau 6 tháng, tại biên bản ngày lập ngày 28/12/2022 của Phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện, nhà bảo vệ được công ty coi là nhà tạm đã “mọc” thêm 1 tầng, trở thành nhà kiên cố 2 tầng. Ngoài ra, tại đây còn xuất hiện thêm nhà để xe khung sắt diện tích 196m2.

Thực tế trên đã cho thấy, bất chấp yêu cầu của chính quyền xã “tạm dừng hoạt động xây dựng”, Công ty Thái Yên vẫn tiếp tục xây dựng hoàn thiện nhà bảo vệ và lắp ghép thêm nhà để xe. Sự “nhờn luật” này phải chăng là do việc thiếu kiểm tra, giám sát, chỉ làm việc, lập biên bản rồi coi như “hết trách nhiệm” của UBND xã. Lẽ ra, với thẩm quyền được giao, chính quyền cấp xã có thể buộc công ty dừng hoạt động san lấp, xây dựng và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty trước khi báo cáo lên UBND huyện. Thêm nữa, thời điểm công ty huy động máy móc, phương tiện tiến hành san lấp trái phép hơn 1.000m2 đất lúa, chính quyền xã đã “ở đâu” mà không có động thái kiểm tra, xử lý?

Về phía UBND huyện, tại biên bản do Phòng Tài Nguyên và Môi trường lập ngày 28/12/2022 đã yêu cầu công ty “tự tháo dỡ công trình vi phạm”. Tuy nhiên, cho đến nay, các công trình này vẫn ngang nhiên tồn tại. Theo ghi nhận, khi xác minh thực tế của PV vào thời điểm giáp Tết Âm lịch Quý Mão, tại đây vẫn có khá đông công nhân và xe tải của công ty đang hoạt động một cách bình thường.

Lại nói về Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND huyện, tại mục c “hình thức khắc phục hậu quả” nêu: Buộc Công ty Cổ phần Sản xuất bao bì Thái Yên phải thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo quy định.

Như vậy, qua các biên bản của xã, huyện và quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Có thể thấy sự “tiền hậu bất nhất” trong xử lý vụ việc của các cấp chính quyền từ xã đến huyện. Từ chỗ “đề nghị dừng mọi hoạt động xây dựng” của UBND xã đến “yêu cầu công ty tự tháo dỡ các công trình, nhà xây dựng trái phép. Đề nghị UBND xã chỉ đạo khắc phục, báo cáo về huyện trước ngày 15/01/2023” của Phòng Tài nguyên và Môi trường. Tiếp đó, theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của UBND huyện, việc khắc phục hậu quả buộc công ty tự tháo dỡ lại được chuyển thành “buộc công ty thực hiện tiếp thủ tục thuê đất, giao đất theo quy định”? Theo dư luận, với cách xử lý theo kiểu “việc đã rồi” cho hợp thức hóa hành vi sai phạm này, tình trạng vi phạm, xâm phạm đất nông nghiệp khó mà được ngăn chặn.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích