Triệt tiêu ma túy “tấn công” học đường

Triệt tiêu ma túy “tấn công” học đường
Ảnh minh họa.

Ngày 27/7/2022, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) đã phát cảnh báo về thủ đoạn tinh vi mới của tội phạm ma tuý: Pha trộn, đóng gói ma tuý lẫn trong thức ăn, đồ uống. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng “đánh mạnh” vào nhóm tội phạm này. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố cũng như hoạt động của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, nên công tác đấu tranh còn gặp rất nhiều khó khăn.

Vì thế, ma túy núp bóng thực phẩm, đồ uống vẫn tồn tại và lưu hành. Điều đáng lo nhất, các loại thực phẩm, đồ uống này thường hay bán tại các điểm gần trường học, nơi mà học sinh “ít” quan tâm đến yếu tố thương hiệu, có tiền là mua; hương vị lại hấp dẫn, thử một lần, lần sau lại muốn mua để ăn, uống…!

Đơn cử, mới đây nhất, ngày 4/7 Công an tỉnh Thanh Hóa, vừa có cảnh báo về tình trạng ma túy xâm nhập gần trường học, có trong thực phẩm chức năng, nước trái cây nhằm vào học sinh, sinh viên. Theo điều tra, xác minh của Phòng cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy Công an tỉnh Thanh Hóa, thời gian qua, trên địa bàn xuất hiện loại ma túy thường được đựng trong các gói trà giảm cân, đông trùng hạ thảo, gói bột nước trái cây có in dòng chữ dễ nhầm lẫn như: “Crispy fruit”, “Crispy fruit grape”, hoặc “nước dâu”, “nước vui”, cà phê “White coffe”…Đây là sản phẩm nhìn bề ngoài giống một loại nước giải khát, trong đó có dạng gói hương dâu, hương nho, hương xoài.

Theo kết quả giám định của cơ quan Công an, số ma túy trên là một loại ma túy mới xuất hiện, được pha trộn từ nhiều chất ma túy tổng hợp như: MDMA, ketamine, diazepam. Trên bao bì sản phẩm không ghi thông tin của nhà sản xuất, cũng như xuất xứ của sản phẩm, bên trong là chất bột có màu tím, màu hồng, màu vàng. Loại ma túy này hòa tan được vào nước như nước giải khát, khi uống sẽ gây ảo giác mạnh, loạn thần và có thể đe dọa tính mạng nếu sử dụng quá nhiều.

Được biết, đa số các sản phẩm ma túy núp bóng thực phẩm, đồ uống đều có xuất xứ từ bên ngoài. Vấn đề đặt ra như đề cập ở trên, nếu chỉ vì lợi nhuận, các loại tội phạm tuồn ma túy vào Việt Nam để bán đã nguy hiểm, nhưng giả thuyết đặt ra có âm mưu mang tầm “chiến lược” thì sẽ nguy hiểm hơn nhiều. Vì người sử dụng các loại thực phẩm, nước uống chứa chất ma túy đa số là giới trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên.

Do đó, cùng với công tác đấu tranh với loại tội phạm này như các cơ quan chức năng đang triển khai, nên chăng cần nâng tầm lên mức “chuyên án đặc biệt” để lần tìm ra đầu mối, “quét sạch” loại tội phạm này, để ma túy không còn tấn công vào giới trẻ, trong đó có học sinh, sinh viên những chủ nhân của đất nước sau này.

Hà Lê

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích