Triển vọng tăng trưởng kinh tế sáng trở lại khi 70% dân số được tiêm chủng

“Vào năm 2022, khả năng xảy ra các đợt cách ly xã hội trên diện rộng ít hơn, điều này tạo nền tảng khả quan hơn cho triển vọng tăng trưởng kinh tế trở lại”, chuyên gia Công ty chứng khoán RongViet Security dự báo.

“Kịch bản cơ sở của chúng tôi giả định rằng Việt Nam sẽ đạt được tình trạng “Bình thường mới” khi 70% dân số hoàn thành việc tiêm chủng – điều này sẽ cho phép hầu hết ngành kinh tế mở cửa trở lại, việc lưu thông giữa các tỉnh được tiếp tục và nới lỏng hơn đối với các hoạt động xã hội. Chúng tôi dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng 6,5% vào năm 2022, với sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và chi tiêu tiêu dùng cá nhân”, chuyên gia RongViet Security nói.

trien vong tang truong kinh te sang tro lai khi 70 dan so duoc tiem chung
Dự báo tăng trưởng kinh tế GDP. Nguồn: RongViet Security

Ở kịch bản xấu, trong trường hợp không chắc chắn về dịch COVID-19, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng, các tác động kinh tế tiêu cực kéo dài lên hộ gia đình và doanh nghiệp và hạn chế về chính sách hỗ trợ. Do khả năng xảy ra các làn sóng Delta và các biến thể mới sẽ đi kèm cùng các biện pháp kiểm soát dịch bệnh là một rủi ro rõ rệt vào năm 2022, sự phục hồi sẽ còn khó khăn và tương đối chậm đối với một số lĩnh vực như du lịch, lữ hành và bán lẻ.

Các chuyên gia cho rằng, các chỉ thị nghiêm ngặt được áp dụng vào tháng 8.2021, sự đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho thấy TP.HCM đang dần có những bước chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại trong quý IV/2021. Do đó, chi tiêu hộ gia đình và các ngành dịch vụ được dự báo sẽ tăng trưởng âm trong quý III/2021.

Trong quý IV/2021, nếu không có các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn, hoạt động kinh tế được dự báo sẽ phục hồi ở mức thấp do những ảnh hưởng sâu sắc từ đại dịch lên thị trường lao động, gián đoạn chuỗi cung ứng và ngân sách của Chính phủ, bảng cân đối của doanh nghiệp và túi tiền hộ gia đình. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy tiến độ đầu tư công có thể không như mong muốn do các biện pháp kiểm soát COVID-19, và Chính phủ có thể cần phải sử dụng nguồn lực tài khóa cho mục tiêu phòng chống dịch.

Tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam được các chuyên gia RongViet Security dự báo giảm xuống 4,0% so với ước tính trước đó là 5,6% với các ước tính về sản xuất, tiêu dùng và đầu tư được cắt giảm để phản ánh tác động tiêu cực của việc áp dụng các chính sách thắt chặt đối với các hoạt động trong nước và năng lực sản xuất cũng như việc nâng cao các biện pháp phòng ngừa của COVID-19.

“Nếu các biện pháp thắt chặt tiếp tục kéo dài sau tháng 8, dự báo của chúng tôi có thể tiếp tục suy giảm. Ngoài ra, rủi ro về hạn chế nguồn cung vaccine có thể khiến Việt Nam chịu áp lực trong việc phục hồi kinh tế trong quý IV/2021. Mặt khác, chúng tôi tin rằng, việc hoàn thành mục tiêu vaccine nhanh hơn và các hỗ trợ chính sách kịp thời sẽ làm giảm nguy cơ suy giảm kinh tế. Nếu nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng GDP âm trong quý III/2021, chúng tôi nhận thấy khả năng tiếp tục chính sách cắt giảm lãi suất và gói tài khóa khác để hỗ trợ nền kinh tế”, chuyên gia RongViet Security nhận định.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích