Triển lãm lần thứ 19 về cơ khí chính xác và những cải tiến công nghệ mới nhất

Tiếp nối sự thành công của MTA Vietnam phiên bản thứ 18, năm nay, Triển lãm và Hội thảo Quốc tế lần thứ 19 về Cơ khí Chính xác và Sản xuất Chế tạo – MTA Vietnam 2023 trở lại, hứa hẹn mở rộng cơ hội phát triển của ngành cơ khí Việt Nam, tạo không gian để khách mua hàng và nhà cung cấp gặp gỡ, kết nối với nhau, mang đến trải nghiệm triển lãm quốc tế hàng đầu.

Theo chia sẻ của ông BT Tee – Tổng Giám đốc công ty Informa Markets Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo mới đây thì: “Cơ khí chính xác là nền tảng của ngành cơ khí. Không có sự góp mặt của chúng, các ngành sản xuất khó có thể vận hành. Để đáp ứng nhu cầu về một quy trình sản xuất chất lượng hơn, MTA Vietnam nỗ lực hiện thực hoá hai nhiệm vụ: một là tạo không gian để doanh nghiệp tiếp cận những sản phẩm máy công cụ, cơ khí tiên tiến nhất; hai là cập nhật những xu hướng mới nhất của ngành để xây dựng nền sản xuất thông minh trong tương lai.”

Ảnh 1 (1)
Ông BT Tee – Tổng Giám đốc công ty Informa Markets Việt Nam phát biểu tại buổi họp báo

Được biết, quy mô thị trường máy cơ khí chính xác toàn cầu ước tính đạt 19,27 tỷ USD vào năm 2028 (Grand View Research, 2022), tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 6,6% từ năm 2021 đến năm 2028. Con số này cho thấy dư địa phát triển của ngành sản xuất máy công cụ, cơ khí chính xác vô cùng rộng lớn. Trong đó, điểm sáng nhất phải kể đến cơ khí chính xác cho ngành ô tô, điện tử, năng lượng và hàng không vũ trụ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Máy móc, kỹ thuật chính xác trong ngành công nghiệp ô tô dự kiến ​ ghi nhận tốc độ tăng trưởng kép cao nhất, đạt trên 7%. Sự tăng trưởng này được dẫn dắt bởi nhu cầu tiêu thụ ô tô ngày càng tăng, những tiến bộ trong thiết kế, chế tạo, vận hành, ứng dụng robot và sự ra đời của xe điện.

Trong phân khúc phi ô tô, cơ khí cho lĩnh vực điện và năng lượng được dự đoán sẽ đạt tốc độ tăng trưởng kép cao nhất. Sự đầu tư mạnh mẽ vào dầu khí địa phương do leo thang chính trị kéo theo nhu cầu to lớn về các loại máy khoan rút, máy tiện, máy kéo sợi cho ngành.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) dự đoán sẽ trở thành khu vực thị trường phát triển nhanh nhất trong giai đoạn dự báo. Thị trường này được thúc đẩy bởi xu hướng tự động hóa công nghiệp, gia công cơ khí chính xác, đặc biệt trong lĩnh vực ô tô, hàng không vũ trụ và điện tử.

Không nằm ngoài xu hướng đó, tại Việt Nam, nhu cầu với các giải pháp gia công tiên tiến, tự động hoá toàn diện, tập trung cắt giảm thời gian chết trong sản xuất để thúc đẩy hiệu quả, cải thiện độ chính xác và tối ưu hóa quy trình đang trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), nước ta có khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động. Bằng tất cả nỗ lực, ngành cơ khí Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đột phá, từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Theo dự báo, quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo Việt Nam giai đoạn 2019 – 2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD. Trong đó, giá trị máy móc, thiết bị, cấu kiện cho các công trình nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản khoảng 120 tỷ USD; máy xây dựng, nông nghiệp và chế biến nông, lâm sản khoảng 15 tỷ USD; các loại thiết bị tiêu chuẩn, như quạt, động cơ, thiết bị thủy lực khoảng 10 tỷ USD); giá trị cho lĩnh vực thiết bị đường sắt tốc độ cao khoảng 35 tỷ USD; đường sắt đô thị là 10 tỷ USD và công nghiệp ô tô (120 tỷ USD). Đó là thị trường “mơ ước” đủ lớn để phát triển ngành cơ khí nói chung và công nghiệp máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại nói riêng

Trong vài năm gần đây, áp lực đổi mới đối với ngành công nghiệp cơ khí của Việt Nam tăng lên rõ rệt. Với tư cách là hạt nhân của các ngành công nghiệp, nhận nhiệm vụ đảm bảo cung cấp các công cụ, thiết bị, máy động lực cho tất cả các lĩnh vực kinh tế, ngành cơ khí chính xác, máy công cụ và gia công kim loại cần là lá cờ đầu về đổi mới.

Không chỉ dẫn đầu về tính đổi mới, ngành công nghiệp cơ khí, máy công cụ và gia công kim loại còn cần tiên phong đóng góp vào cải thiện tính bền vững. Để thực hiện hoá ý tưởng về sản xuất xanh, cơ khí cần dẫn dắt về cải tiến quy trình, máy móc thành phẩm, cần gắn chặt từng khía cạnh của toàn bộ hệ thống với tính bền vững. Ngành cơ khí của tương lai cần tập trung tự động hoá, các tính năng thông minh, IoT, trí tuệ nhân tạo và các hệ thống máy tiện cơ khí nâng cấp được điều khiển bằng máy tính.

Trong 4 ngày diễn ra triển lãm, MTA Vietnam 2023 sẽ quy tụ những doanh nghiệp quốc tế nổi tiếng trưng bày. Các sản phẩm trưng bày tập trung trong những lĩnh vực: Công nghệ tự động hóa, Dụng cụ cắt & gia công cắt gọt, Thiết bị nhà máy/ Thiết bị phụ trợ & hỗ trợ, Lưu trữ & xử lý nguyên vật liệu, Công nghệ đo lường & kiểm tra, Máy cắt kim loại, Máy định hình kim loại / Máy cắt kim loại tấm, Đúc & khuôn mẫu, Hệ thống & phần mềm tạo mẫu, Xử lý bề mặt & xử lý nhiệt, Công nghệ hàn và Dịch vụ tổng hợp.

Đặc biệt, một điểm trưng bày độc đáo hoàn toàn mới sẽ xuất hiện với tên gọi VINRA. Tại đây, các công nghệ, máy móc tiên tiến nhất trong khu vực cũng như thế giới về robot học, tự động hóa, cánh tay robot sử dụng công nghệ AI sẽ được giới thiệu đến khách tham quan chuyên ngành.

Ban tổ chức chụp hình lưu niệm với các khách mời
Ban tổ chức chụp hình lưu niệm với các khách mời

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích