Triển khai thi hành Luật Đất đai: Chú trọng công tác phân cấp, phân quyền

Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, để Luật Đất đai năm 2024 sớm đi vào cuộc sống, việc xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành luật, đặc biệt là việc phân cấp, phân quyền là rất quan trọng.

Triển khai thi hành Luật Đất đai: Chú trọng công tác phân cấp, phân quyền
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Nhấn mạnh Luật Đất đai (sửa đổi) với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thi hành luật, để sớm đưa luật đi vào cuộc sống, kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân.

Nhiều nội dung đột phá

Phát biểu khai mạc Hội nghị “Triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024” được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 500 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, diễn ra chiều 6/3, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Luật Đất đai (Luật số 31/2024/QH15) gồm 16 chương với 260 điều, được Quốc hội thông qua ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước, được trình Quốc hội cho ý kiến tại 4 kỳ họp. Quá trình xây dựng dự án luật thể hiện ý chí thống nhất cao từ Trung ương tới địa phương, nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, ban, bộ, ngành trung ương, địa phương.

Trong đó việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý sâu, rộng đã thu hút trên 12 triệu lượt ý kiến đóng góp của nhân dân. Điều này cho thấy tinh thần cẩn trọng của các cơ quan trong hoạt động lập pháp, luôn đề cao chất lượng và hiệu quả.

Đáng chú ý là Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng. Điển hình như quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; tài chính, giá đất.

Cùng với đó là các quy định về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận chuyển sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về đất đai; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, sử dụng đất đai…

Triển khai thi hành Luật Đất đai: Chú trọng công tác phân cấp, phân quyền
Hội nghị Triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thông tin thêm, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết Luật Đất đai năm 2024 có rất nhiều điểm mới quan trọng. Đơn cử bổ sung quyền lựa chọn hình thức trả tiền cho thuê đất.

Theo đó người sử dụng đất đang được Nhà nước cho thuê đất (thu tiền thuê đất hằng năm) nhưng thuộc trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê sẽ được lựa chọn chuyển sang thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho thời gian thuê đất còn lại.

Luật cũng quy định cụ thể thời điểm xác định giá đất, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với từng trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, chuyển hình thức sử dụng đất điều chỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất mà làm thay đổi diện tích, thời hạn sử dụng đất.

Đặc biệt tại điều 16, luật tiếp tục khẳng định Nhà nước có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng; quy định cụ thể chính sách hỗ trợ đất ở, đất nông nghiệp, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp cho cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo.

Ngoài ra, Luật Đất đai năm 2024 cũng đã hoàn thiện quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo hướng đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam thì có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước (cá nhân trong nước)…

Sớm hoàn thiện các nghị định hướng dẫn

Để đảm bảo quá trình thi hành luật, Thứ trưởng Lê Minh Ngân lưu ý Luật Đất đai năm 2024 đã phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Luật cũng đã quy định phân cấp cho ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất để sử dụng vào mục mục quốc phòng, an ninh, để phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng mà không phân biệt theo đối tượng sử dụng đất.

Ngoài ra, luật quy định cụ thể và mở rộng về thành phần Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định với sự tham gia của đại diện Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, đại diện của người sử dụng đất có đất bị thu hồi để đảm bảo sự khách quan, minh bạch, sự tham gia của các bên liên quan trong bồi thường, tái định cư.

Triển khai thi hành Luật Đất đai: Chú trọng công tác phân cấp, phân quyền
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tặng bằng khen cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng, phổ biến dự án Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với tinh thần đó, theo ông Ngân, thời gian tới cần phải tập trung xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024 trên cơ sở phân cấp triệt để cho cấp huyện, cấp xã trên cơ sở kiểm soát quyền lực, cải cách hành hành chính tránh tạo phiền hà cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương như Tuyên Quang, Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên – Huế cũng nhấn mạnh Luật Đất đai năm 2024 là đạo luật rất quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội. Do vậy, theo đại diện các địa phương, việc sớm ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành luật (đặc biệt là việc phân cấp, phần quyền trong quản lý đất đai) để các địa phương triển khai thi hành luật hiệu quả là rất cần thiết.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh triển khai thi hành Luật Đất đai là phải kịp thời, có chất lượng, tạo ra những chuyển biến rõ rệt về ý thức, trách nhiệm trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng như trong mọi tổ chức, công dân.

Vì vậy để đảm bảo các điều kiện thi hành Luật Đất đai năm 2024, nhanh chóng đưa luật vào cuộc sống ngay khi có hiệu lực thi hành, các địa phương cần bám sát chỉ đạo của trung ương, xây dựng và triển khai chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật đất đai; nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật trong lĩnh vực đất đai cho cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

“Tôi tin tưởng rằng với sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, Luật Đất đai sẽ sớm đi vào cuộc sống, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế sâu rộng, từng bước hiện thực hóa mục tiêu cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đề ra; kịp thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng của nhân dân,” ông Khánh nói./.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích