Triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác Nữ công ngành Xây dựng năm 2023

(Xây dựng) – Ngày 17/3/2023, Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác Nữ công năm 2023, nói chuyện chuyên đề “ Bình đẳng giới, vai trò của Phụ nữ trong thời kỳ 4.0”.

Triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác Nữ công ngành Xây dựng năm 2023
Phó Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam Phạm Xuân Hải phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Phạm Xuân Hải, Phó Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao các cấp công đoàn trong Ngành những năm qua đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo, đoàn kết, chung sức đồng lòng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo để có những hình thức hoạt động phù hợp nhằm quan tâm, chăm lo, động viên tinh thần nữ công nhân viên chức lao động trong công tác, lao động, sản xuất, nhất là trong các dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10…

Trong thời gian tới đây, các đơn vị sẽ tiếp tục không ngừng quan tâm triển khai thực hiện phong trào nữ công nhân viên chức người lao động và hoạt động nữ công với nhiệm vụ tổng quát “Thực hiện toàn diện và chất lượng công tác nữ công ở các cấp công đoàn, trọng tâm là quyền và việc làm bền vững của lao động nữ; xây dựng gia đình công nhân, viên chức, lao động no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; chăm lo tốt hơn con công nhân, viên chức, lao động”. Tổ chức triển khai hiệu quả công tác nữ công tại đơn vị mình và thu được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần quan trọng trong hoạt động công đoàn và phong trào công nhân viên chức người lao động, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Tiếp tục quan tâm, có những giải pháp, cách làm phù hợp, hiệu quả để chăm lo và kịp thời động viên nữ công nhân viên chức người lao động.

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Ngọc Huyền – Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo – Nữ công Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác Nữ công năm 2023 của các cấp công đoàn ngành Xây dựng. Năm 2023, đánh dấu kỷ niệm 66 năm ngày thành lập Công đoàn Xây dựng Việt Nam (16/3/1957 – 16/3/2023), 65 năm Ngày truyền thống ngành Xây dựng Việt Nam (29/4/1958-29/4/2023), năm diễn ra đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XIV Công đoàn Xây dựng Việt Nam, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Để thực hiện tốt công tác nữ công và phong trào nữ công nhân viên chức lao động ngành Xây dựng năm 2023, Ban Thường vụ Công đoàn Xây dựng Việt Nam đã định hướng 10 nhiệm vụ trọng tâm, 6 chỉ tiêu và 5 giải pháp thực hiện cụ thể như: tích cực tham gia xây dựng chế độ, chính sách và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ và con công nhân viên chức lao động; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách lao động nữ, bình đẳng giới, dân số, gia đình, trẻ em; nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng; triển khai hiệu quả các phong trào thi đua và mô hình tập hợp lao động nữ; phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…

Triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác Nữ công ngành Xây dựng năm 2023
Các đại biểu dự hội nghị

Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã được nghe đồng chí Lê Doãn Hợp – nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trao đổi, thông tin, nói chuyện chuyên đề “ Bình đẳng giới, vai trò của Phụ nữ trong thời kỳ 4.0”. Chuyên đề với các nội dung về những đặc điểm chính của nền công nghiệp 4.0; những nội dung cơ bản về Bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ, vì hạnh phúc gia đình, sự phát triển của cơ quan, đơn vị, đặc biệt là kỹ năng cần thiết để giữ gìn hạnh phúc gia đình, sự sẻ chia công việc của các thành viên và vai trò, trách nhiệm của nam giới nhằm đảm bảo bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từ đó là tiền đề, là động lực để chị em phấn đấu và phát triển trong công việc trong thời đại công nghệ 4.0. Thông qua chuyên đề đã giúp chị em phụ nữ tự tin hơn để khẳng định bản thân và ngày càng năng động, sáng tạo, vươn lên trong công tác, lao động và làm tốt hơn nữa vai trò là người “giữ lửa” trong mỗi gia đình, hướng tới cuộc sống, xã hội hạnh phúc.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích