Triển khai hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tham dự buổi làm việc, về phía Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban, cùng đại diện các đơn vị trực thuộc. 

Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có ông Lương Duy Hanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, đại diện các đơn vị: Tổng cục Khí tượng thủy văn, Cục Địa chất khoáng sản, Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất.

Ông Hà Minh Hiệp – Quyền Chủ tịch Ủy ban TCĐLCLQG phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình bày về tình hình triển khai công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng và đề xuất kế hoạch công tác năm 2024, định hướng xây dựng kế hoạch TCĐLCL năm 2025.

Theo đó, trong năm 2023 và đầu năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ trong việc hoàn thiện hồ sơ trình ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường phù hợp với chương trình xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ.

Theo kế hoạch xây dựng các Tiêu chuẩn quốc gia năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng 25 TCVN (20 TCVN địa chất khoáng sản, 01 TCVN công nghệ thông tin, 02 TCVN khí tượng thủy văn, 02 TCVN đất đai). Năm 2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng 34 TCVN (23 TCVN địa chất khoáng sản, 02 TCVN khí tượng thủy văn, 06 TCVN môi trường, 01 TCVN viễn thám, 02 TCVN đất đai).

Hiện nay các TCVN trên đang được xây dựng theo đúng tiến độ yêu cầu, dự kiến cuối năm 2024 sẽ trình Bộ thẩm tra theo đúng kế hoạch.

Việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia được Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Thông tư số 21/2007/TT- BKHCN ngày 28/9/2007 hướng dẫn xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn. Các TCVN được công bố góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản kỹ thuật ngành tài nguyên và môi trường. Việc thực hiện kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia còn chậm so với yêu cầu. Một số tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia phải đề nghị đưa ra khỏi kế hoạch xây dựng.

Về kết quả thực hiện kế hoạch xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN), năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và rà soát, sửa đổi 18 QCVN (Xây dựng mới 03 QCVN đo đạc bản đồ, 01 QCVN về khí tượng thủy văn; rà soát, sửa đổi 03 QCVN về chất lượng môi trường và 09 QCVN về chất thải và xử lý chất thải, 02 QCVN về môi trường khác).

Ông Lương Duy Hanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại buổi làm việc.

Về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 đối với cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước theo Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 26/2014/TT-BKHCN ngày 10/10/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ: Tất cả các đơn vị thuộc Bộ đã tuân thủ nghiêm túc kế hoạch và các nội dung tại Quyết định số 1192/QĐ-BTNMT về việc ban hành kế hoạch chuyển đổi Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN 9001:2008 sang TCVN 9001:2015.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ tiếp tục hướng dẫn các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc duy trì, áp dụng, cập nhật và chuyển đổi sang phiên bản TCVN 9001:2015. Tới thời điểm hiện tại, tất cả đơn vị quản lý nhà nước thuộc Bộ đã ban hành thủ tục hành chính bắt buộc theo Hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2015 theo Quyết định nêu trên.

Cũng theo vị này, hoạt động đánh giá sự phù, công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong lưu thông, nhập khẩu và sản xuất thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, ngành.

Công tác quản lý nhà nước về đo lường, năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng 8 dự thảo quy trình hiệu chuẩn phương tiện đo thuộc lĩnh vực địa chất và khoáng sản: Quy trình hiệu chuẩn đầu đo siêu âm thành lỗ khoan; Quy trình hiệu chuẩn đầu đo gamma – gamma; Quy trình hiệu chuẩn đầu đo Neutron – gamma thành lỗ khoan; Quy trình hiệu chuẩn máy đo phổ gamma hàng không; Quy trình hiệu chuẩn máy điện từ đa chức năng Gepard; Quy trình hiệu chuẩn máy đo phổ gamma đa kênh; Quy trình hiệu chuẩn máy đo từ biển Gradient; Quy trình hiệu chuẩn máy đo từ biển Gradient.

Ngoài ra, Cục Địa chất Việt Nam cũng đề xuất và xây dựng một quy trình chế tạo mẫu chuẩn quặng vàng theo hai đối tượng quặng, hàm lượng khác nhau dùng trong phân tích thí nghiệm địa chất dạng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia (TCVN) (vật liệu mẫu chuẩn).

Lĩnh vực khí tượng thủy văn, các dự thảo đã được xây dựng: Dự thảo quy trình hiệu chuẩn phương tiện đo trong lĩnh vực khí tượng thủy văn đối với các phương tiện đo: Mưa, phương tiện đo tự động liên tục các thông số khí tượng thủy văn, mực nước; Dự thảo các quy định kỹ thuật về công tác kiểm định, hiệu chuẩn cho các phương tiện đo: nhiệt độ, độ ẩm, khí áp, mưa, gió, mực nước.

Đối với lĩnh vực môi trường, Bộ đã giao xây dựng 02 dự thảo: Phương tiện đo hàm lượng bụi trong môi trường không khí xung quanh – Quy trình kiểm định; Phương tiện đo hàm lượng bụi trong môi trường không khí xung quanh – Quy trình hiệu chuẩn. Ngoài ra, Hồ sơ phê duyệt phương pháp thực hiện hiệu chuẩn thiết bị đo bụi (PM2.5 hoặc PM10) là kết quả đề tài khoa học và công nghệ cũng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Các dự thảo thuộc Lĩnh vực khí tượng thủy văn và địa chất và khoáng sản đang được rà soát để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Lĩnh vực đo đạc và bản đồ đã 03 dự thảo quy trình kiểm định đối với 03 phương tiện đo sau: Phương tiện đo khoảng cách quang điện; Phương tiện đo kinh vĩ; Phương tiện đo định vị bằng vệ tinh.

Ngoài việc tiếp tục duy trì theo tiêu chuẩn đối với các tổ chức đang thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường, năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang rà soát để giao tài sản được hình thành từ nhiệm vụ nghiên cứu trong lĩnh vực đo lường cho Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam để đảm bảo đáp ứng yêu cầu, đủ năng lực, tiêu chuẩn để thực hiện các hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn phương tiện đo theo quy định của pháp luật…

Vị này cũng đưa một số định hướng mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng năm 2025 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Theo Quyền Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia Hà Minh Hiệp, về cơ bản Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có sự phối hợp tốt với Ủy ban trong công tác xây dựng, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; quản lý nhà nước về đo lường; triển khai áp dụng TCVN ISO 9001; công tác đánh giá sự phù hợp, quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; công tác TBT.

Trong thời gian tới, ông Hiệp mong muốn tiếp tục đẩy mạnh sự phối hợp chặt chẽ về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng giữa hai bên.

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích