Triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ở Bến Tre
Tính đến cuối tháng Sáu vừa qua, nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại tỉnh Bến Tre đạt 3.664 tỷ đồng, tăng 280 tỷ đồng so đầu năm nay.
Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội chi nhánh huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre phối hợp các đoàn thể tạo điều kiện cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập… (Ảnh: Chương Đài/TTXVN) |
Tại Bến Tre, tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được khẳng định là công cụ kinh tế hữu hiệu của Nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều nhanh, bền vững.
Từ đó, góp phần tích cực thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bến Tre Nguyễn Mạnh Hoài cho biết để đáp ứng nhu cầu vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, hàng năm bên cạnh nguồn vốn cân đối từ Trung ương chuyển về, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã dành một phần ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay.
Ngoài ra, chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cũng đẩy mạnh huy động vốn từ dân cư và cùng với nguồn vốn được bổ sung hàng năm, tích cực thu hồi nợ để cho vay quay vòng nhằm cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Tính đến cuối tháng Sáu vừa qua, nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại tỉnh Bến Tre đạt 3.664 tỷ đồng (tăng 280 tỷ đồng so đầu năm nay); trong đó, nguồn vốn Trung ương là 3.500 tỷ đồng, tăng 231,4 tỷ đồng; nguồn vốn ủy thác địa phương là 163,6 tỷ đồng, chiếm 4,51% tổng nguồn vốn, tăng 49 tỷ đồng.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách, tập trung cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, tích cực hỗ trợ các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và các hộ có mô hình sinh kế, sản xuất kinh doanh và dự kiến thoát nghèo năm nay.
Qua thống kê, doanh số cho vay 6 tháng đầu năm nay đạt 657,4 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt 415,3 tỷ; tổng dư nợ đạt 3.623,5 tỷ đồng, tăng 241,9 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 7,15%, với 108.814 khách hàng còn dư nợ.
Sáu tháng đầu năm nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 3.886 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay 194,4 tỷ đồng; 3.883 người lao động tự tạo việc làm tại địa phương được giải ngân vay 158,9 tỷ đồng; 193 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài vay 16,2 tỷ đồng; hơn 10.000 lượt hộ xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh ở nông thôn vay 190,2 tỷ đồng; tạo điều kiện cho 714 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện trang trải chi phí học tập…
Theo bà Trần Lam Thùy Dương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bến Tre, mô hình hoạt động đặc thù của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành để thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đảm bảo được tính công khai, dân chủ, minh bạch trong hoạt động, trong việc quản lý, giám sát, sử dụng nguồn vốn Nhà nước; gắn trách nhiệm, nhiệm vụ của các cấp, các ngành liên quan trong công tác giảm nghèo bền vững, ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.
“Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp nhân dân bám đất, bám làng; đồng thời, giúp chính quyền cơ sở hoạch định, định hướng phát triển kinh tế cho địa phương, có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, góp phần giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại cơ sở,” bà Trần Lam Thùy Dương nhấn mạnh.
Các hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, được hỗ trợ vốn vay chăn nuôi từng bước thay đổi cuộc sống. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN) |
Đặc biệt, với phương thức cho vay chủ yếu ủy thác thông qua tổ chức chính trị-xã hội (chiếm 99%), Hội đoàn thể nhận ủy thác có điều kiện tập hợp củng cố, phát triển đoàn viên, hội viên; gắn kết cộng đồng dân cư thông qua hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn; đồng thời, với việc triển khai đến 100% khóm, ấp, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, các hộ nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nguồn vốn của Chính phủ để thực tập làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, làm giàu trên chính quê hương. Từ đó, tạo được lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần từng bước đẩy lùi nạn tín dụng đen, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội.
Trong thời gian tới, tín dụng chính sách xã hội Bến Tre tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững, tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đơn vị cũng đặt mục tiêu đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được vay vốn các chương trình tín dụng và tiếp cận các dịch vụ do Ngân hàng Chính sách Xã hội cung cấp. Dư nợ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 10%. Tỷ lệ nợ quá hạn bằng mức bình quân chung của toàn quốc.
Để làm được việc này, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Bến Tre sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội; trong đó có việc nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và của các tổ chức chính trị-xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội; tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Cùng với đó, Chi nhánh đặc biệt coi trọng chất lượng tín dụng, công tác ủy thác của các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác, chất lượng hoạt động của các Tổ Tiết kiệm và vay vốn, hoạt động tại điểm giao dịch tại xã, thực hiện công khai về các thông tin, các chủ trương chính sách liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách tại điểm giao dịch xã nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách, đồng thời phát huy vai trò giám sát của cộng đồng trong việc tổ chức thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Chi nhánh sẽ đẩy mạnh truyền thông về tín dụng chính sách, đặc biệt những chính sách tín dụng mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát thực hiện trên địa bàn; tranh thủ khai thác các nguồn lực, nguồn tài trợ kỹ thuật của các tổ chức để bổ sung nguồn vốn cho vay và đào tạo, nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội, cán bộ tổ chức chính trị-xã hội nhận dịch vụ ủy thác, Ban quản lý Tổ Tiết kiệm và vay vốn…/.
Nguồn: Báo xây dựng