Triển khai gấp rút nhiều giải pháp hạn chế lây lan bệnh sởi trong cộng đồng

Triển khai gấp rút nhiều giải pháp hạn chế lây lan bệnh sởi trong cộng đồng

Để phòng ngừa bệnh sởi bùng phát, có thể thành các ổ dịch, Sở Y tế tỉnh Bình Dương và Sở Y tế TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị triển khai ngay các giải pháp nhằm tăng miễn dịch cộng đồng

Bình Dương lên kế hoạch tăng miễn dịch cộng đồng

Ngày 14-8, bác sĩ CK2 Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương, cho biết số ca mắc sởi và nghi ngờ sởi trên địa bàn đang có dấu hiệu tăng.

Dẫn chứng số liệu cho thấy năm 2023, số ca mắc sởi tại Bình Dương là 7 và tính đến hết ngày 12-8-2024 là 24 ca.

Theo bác sĩ Huỳnh Minh Chín, sởi lây qua đường hô hấp, trung bình 1 người mắc bệnh sẽ lây cho 12-18 ca khác, cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ lây của COVID-19 (trung bình 1 ca lây từ 2-5 người). Bệnh sởi thông thường sẽ tự khỏi, không có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng một số trường hợp có diễn tiến nặng như viêm phổi, viêm não…, đặc biệt đối với trẻ suy dinh dưỡng, trẻ mắc bệnh nền.

Để phòng ngừa bệnh sởi bùng phát, Sở Y tế tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các đơn vị triển khai ngay những giải pháp để tăng miễn dịch cộng đồng, bao gồm tiêm vét, tiêm bù cho trẻ; tiêm vắc-xin cho nhân viên y tế, thân nhân. Bên cạnh đó là phải bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao, bởi nhóm này nếu mắc sởi dễ dẫn đến tử vong.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương khuyến cáo để chủ động phòng, chống bệnh sởi, người dân cần nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh sởi; đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các mũi vắc-xin sởi theo chương trình tiêm chủng quốc gia; khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh sởi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

TP.HCM triển khai nhiều giải pháp kiểm soát bệnh sởi

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), từ đầu năm 2024 đến nay, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và cơ sở y tế trên địa bàn là 597 ca. Trong đó, số ca dương tính với sởi là 346 ca (bao gồm 153 trẻ cư ngụ tại TP.HCM và 193 trẻ cư ngụ tại các tỉnh, thành khác). Hiện tại, bệnh sởi xuất hiện tại 57 phường xã thuộc 16/22 quận, huyện, TP.Thủ Đức.

Sở Y tế TP.HCM vừa yêu cầu các đơn vị triển khai gấp rút nhiều giải pháp để hạn chế lây lan bệnh sởi trong cộng đồng.

Cụ thể: 

Nhóm giải pháp tiêm bù, tiêm bổ sung vắc xin sởi: Ngành Y tế cần thực hiện tiêm bù mũi vắc xin cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa tiêm đủ mũi và triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi, bao gồm cả trường hợp trẻ mắc bệnh mạn tính mà không có chống chỉ định tiêm vắc xin.

Cần đặc biệt quan tâm bảo vệ nhóm trẻ có bệnh lý tim mạch, phổi, thận chưa được tiêm chủng, nhóm bị các bệnh có suy giảm miễn dịch, bệnh lý ác tính. Đây là những trường hợp có nguy cơ biến chứng nặng, tử vong khi nhiễm sởi.

Giải pháp tiếp theo là các cơ sở khám chữa bệnh cần tuân thủ nghiêm kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở y tế. Triển khai khám sàng lọc, phân luồng cách ly các trường hợp sốt phát ban nghi Sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo cho người bệnh khác. Nhân viên y tế sẽ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân mắc sởi để hạn chế lây lan.

Lãnh đạo Sở Y tế cho biết để các nhóm giải pháp trên có thể đạt được hiệu quả kiểm soát dịch sởi, cần tăng cường công tác truyền thông để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, hưởng ứng chiến dịch tiêm chủng vắc xin. 

Sở Y tế yêu cầu HCDC, UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức cần phát huy vai trò của mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trong công tác truyền thông phòng bệnh sởi. Đồng thời, Sở này yêu cầu Thanh tra Sở Y tế cần kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp tuyên truyền “anti vắc xin” và những trường hợp đưa thông tin sai lệch, gây hoang mang cho cộng đồng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích