Triển khai đồng loạt các giải pháp phòng chống dịch sởi tại TP.HCM
Theo đó, Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM vừa có văn bản yêu cầu Sở Y tế chủ trì, tham mưu UBND Thành phố thực hiện hoạt động tiêm chủng bổ sung vắc xin phòng, chống dịch bệnh sởi; bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cho điểm tiêm chủng.
UBND Thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chỉ đạo các Phòng GD&ĐT quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Thành phố tổ chức lập danh sách và điều tra tiền sử tiêm chủng của học sinh; phối hợp Trung tâm y tế, Trạm y tế tổ chức tiêm chủng tại trường học hoặc Trạm y tế; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp Trung tâm y tế, Trạm y tế tổ chức buổi tiêm chủng tại cơ sở trợ giúp xã hội hoặc Trạm y tế đảm đảm bảo trẻ được tiếp cận vắc xin càng sớm càng tốt, an toàn và hiệu quả.
Dịch sởi đang diễn biến phức tạp tại TP.HCM. (Ảnh: HCDC TP.HCM) |
Đối với UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Đức, UBND TP.HCM đề nghị xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi cho trẻ từ 1 tuổi đến 10 tuổi đang sinh sống, học tập trên địa bàn; chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng bệnh sởi, góp phần kiểm soát sớm tình hình dịch bệnh.
Trong khi đó, Sở Y tế TP.HCM cũng vừa có văn bản gửi Hội đồng nhân dân Thành phốt tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện kế hoạch chủ động ứng phó dịch bệnh sởi trên địa bàn. Theo Sở Y tế TP.HCM: Đến hết ngày 29/8/2024, các địa phương báo cáo đã lập danh sách được 271.036 trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi, tương đương khoảng 62% số trẻ của Thành phố có trên Hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia (437.412 trẻ). Ngoài ra, trong số 271.036 trẻ được lập danh sách có 54.861 trẻ chưa tiêm đủ mũi. Đáng lo ngại hơn là các quận huyện đang có nhiều ca bệnh nhưng có tiến độ tiêm còn thấp như Bình Tân (10%), thành phố Thủ Đức (24%).
Để tăng cường, chủ động phòng chống dịch sởi, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành kế hoạch mua sắm vắc xin phòng bệnh sởi – rubella. Mục tiêu là đảm bảo đủ vắc xin để 95% trẻ thuộc nhóm đối tượng tiêm chủng chưa được tiêm đủ mũi vắc xin theo quy định được tiêm 1 mũi vắc xin phòng bệnh sởi – rubella; mua sắm, tiếp nhận, cung ứng kịp thời vắc xin phòng bệnh sởi – rubella cho các đối tượng theo tình hình dịch bệnh; đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vắc xin phòng bệnh sởi – rubella.
Số lượng dự kiến 300.000 liều vắc xin do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố thực hiện mua sắm với kinh phí 4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp y tế năm 2024 đã được bố trí. Thời gian thực hiện từ tháng 8/2024 – 12/2024.
Cùng với đó, Sở Y tế Thành phố cũng ban hành Kế hoạch 8823 về việc chủ đọng bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao đối với bệnh sởi năm 2024. Đối tượng là bệnh nhi (người bệnh dưới 16 tuổi) thuộc nhóm nguy cơ cao đối với các bệnh nhiễm trùng, bao gồm bệnh sởi. Các đối tượng thuộc 1 trong 3 nhóm gồm nhóm bệnh mạn tính (tim, phổi, gan), bệnh tiểu đường, dò dịch não tuỷ và cấy ốc tai điện tử; nhóm bệnh vô lách chức năng hoặc giải phẫu và nhóm suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, suy thận, bệnh bạch cầu cấp, lynphoma, u ác tính…).
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC): Tính từ đầu năm 2024 đến nay, số trường hợp mắc bệnh sởi tại TP.HCM có chiều hướng gia tăng bất thường. Cụ thể tổng số ca sốt phát ban nghi sởi được ghi nhận tại cộng đồng và cơ sở y tế trên địa bàn Thành phố là 597 ca, trong đó số ca dương tính với sởi là 346 ca (bao gồm 153 trẻ cư ngụ tại TP.HCM và 193 trẻ cư ngụ tại các tỉnh, thành khác). Trong khi đó, từ năm 2021 đến năm 2023, cả Thành phố chỉ có 1 ca xét nghiệm dương tính; hiện đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi, cả 3 trẻ này đều mắc những bệnh lý mạn tính, dẫn đến biến chứng nặng khi mắc bệnh sởi và đã tử vong dù được tích cực điều trị.
Từ ngày 23/5/2024 – 18/8/2024, toàn Thành phố phát hiện 170 trường hợp bệnh sởi tại 15 quận, huyện và thành phố Thủ Đức. Riêng tuần 35 (ngày 26/8 – 1/9), toàn Thành phố ghi nhận 118 ca sốt phát ban nghi sởi, tăng 53,7% so với trung bình 4 tuần trước (77 ca). Các quận huyện có số ca mắc cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn.
Nguyên nhân là do đại dịch Covid-19 và việc gián đoạn vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2022-2023 đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng vắc xin, bao gồm cả vắc xin phòng bệnh sởi và rubella. Nhiều trẻ chưa được tiêm chủng đúng lịch hoặc chưa tiêm đủ mũi trong các năm gần đây dẫn đến nguy cơ bệnh quay trở lại và tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới, bùng phát ổ dịch. Trên địa bàn Thành phố, tỷ lệ tiêm chủng sởi mũi 1 cho trẻ sinh năm 2023 chỉ mới đạt 89,2% và chưa có quận huyện nào đạt trên 95% (tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi giúp phòng ngừa dịch sởi bùng phát). Đồng thời, tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi mũi 2 cho trẻ sinh năm 2019 đến năm 2022 cũng chưa đạt 95%.
Vào ngày 27/8/2024, UBND TP.HCM chính thức công bố dịch sởi trên toàn Thành phố trước bối cảnh ca sởi tăng nhanh và đã có 3 trẻ tử vong vì sởi; đồng thời ban hành Kế hoạch phòng chống dịch sởi đến tất cả UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức.
Nhận biết và xử lý ca mắc bệnh sởi 1. Trường hợp nghi mắc bệnh sởi có các biểu hiện sốt, phát ban và kèm theo ít nhất một trong các triệu chứng ho, chảy nước mũi, viêm kết mạc, nổi hạch (cổ, chẩm, sau tai), sưng đau khớp. Ổ dịch sởi là khi có từ 2 ca bệnh sởi xác định trong cùng một trường học, có thời gian khởi phát cách nhau từ 7 – 21 ngày. 2. Quy trình xử lý khi phát hiện học sinh có triệu chứng nghi mắc bệnh sởi: + Yêu cầu học sinh mang ngay khẩu trang y tế và dừng các hoạt động có tiếp xúc với người khác. + Giáo viên, người chăm sóc báo ngay đến Ban Giám hiệu của trường học về trường hợp trên. + Nhân viên phụ trách công tác y tế trường học đánh giá nhanh tình trạng sức khỏe của học sinh. 3. Quy trình xử trí khi phát hiện trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi: – Bước 1: Nhà trường thông báo ngay cho Trạm y tế phường, xã, thị trấn để phối hợp xử lý. – Bước 2: Xử lý trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi – Bước 3: Quản lý người tiếp xúc với trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh sởi. – Bước 4: Vệ sinh, khử khuẩn lớp học, di chuyển học sinh sang lớp học dự phòng và khử khuẩn toàn bộ lớp học. (theo Sở Y tế TP.HCM) |
Nguồn: Báo lao động thủ đô