Triển khai đồng bộ giải pháp thi công dự án Quãng Ngãi – Hoài Nhơn

(Xây dựng) – Ngày 31/01, tại văn phòng hiện trường dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn (xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), Tập đoàn Đèo Cả tổ chức họp về việc Tổ chức thực hiện thi công cao tốc Bắc – Nam (đoạn Quãng Ngãi – Hoài Nhơn) với tinh thần “đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện”.

Triển khai đồng bộ giải pháp thi công dự án Quãng Ngãi - Hoài Nhơn
Ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả chủ trì cuộc họp.

Buổi làm việc do Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng chủ trì, có sự tham gia của Ban Quản lý dự án 2, tư vấn giám sát, đầy đủ các nhà thầu liên danh, thầu phụ, các nhà cung ứng dịch vụ và bên liên quan.

Mục đích của cuộc làm việc giữa các bên lần này để xác lập vai trò – trách nhiệm của các bên liên quan, nhận diện vấn đề quan liêu, tiêu cực có thể xảy ra giúp cho việc thực hiện công việc tối ưu nhất. Đồng thời, công bố mô hình quản lý của Tập đoàn tại dự án, thông tin hoạt động của Ban điều hành Nhà thầu, công bố các nhân sự phụ trách dự án đặc biệt vai trò của các Cố vấn là các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực kỹ thuật – chất lượng, an ninh, kiểm toán – quyết toán, pháp lý… tham gia hỗ trợ cho hoat động điều hành của Tập đoàn Đèo cả thực hiện dự án.

Được biết, Dự án Quảng Ngãi – Hoài Nhơn được chia thành 3 gói thầu với tổng giá trị xây lắp 14.700 tỷ đồng, trong đó gói thầu số 1 có giá trị 3.800 tỷ đồng đã được khởi công vào ngày 01/01/2023. Với vai trò đứng đầu liên danh, Tập đoàn Đèo Cả đã có sự chủ động huy động 50 đầu thiết bị máy móc cùng hàng trăm nhân sự đến hiện trường và triển khai 5 mũi thi công với tinh thần bắt tay vào công việc ngay sau lễ khởi công.

Ban điều hành dự án cho biết, sau một tháng khởi công dự án, dù địa phương đã bàn giao đến 70% mặt bằng cho nhà thầu, tuy nhiên chưa thể triển khai thi công đồng bộ do tại một số vị trí mặt bằng bàn giao còn “xôi đỗ” và chưa có đường tiếp cận dự án, khó khăn trong việc xây dựng đường điện phục vụ công tác thi công… Những vấn đề đó ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu (đất, cát, đá…) cần khoảng 13,9 triệu m3, tuy nhiên trên thực tế trữ lượng ở các mỏ không đáp ứng đủ nhu cầu khai thác phục vụ thi công. Hiện nay, vẫn còn 4 mỏ với trữ lượng khoảng 1,23 triệu m3 sử dụng cho dự án chưa được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt quy hoạch.

Mặc dù, Chính phủ đã có chỉ đạo để tháo gỡ nhưng đến nay các địa phương vẫn chưa xác định rõ thẩm quyền thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng đối với mỏ vật liệu thông thường. Bên cạnh đó, đối với các mỏ thương mại, các chủ mỏ đang có hiện tượng găm hàng.

Tại buổi làm việc, các thành viên trong Hội đồng cố vấn cho rằng, đoạn cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn là một trong những đoạn khó trên tuyến cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 bởi có nhiều cầu lớn, hầm lớn. Vì thế để hoàn thành dự án đúng tiến độ, đạt chất lượng, ngoài kinh nghiệm năng lực của Đèo Cả thì cần có sự kết hợp nhịp nhàng, tương hỗ của các bên là chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu.

Triển khai đồng bộ giải pháp thi công dự án Quãng Ngãi - Hoài Nhơn
Toàn cảnh các bên tham gia cuộc họp triển khai các biện pháp thi công dự án.

Trước đây, ở những dự án khác, đơn vị thi công khác đã có tình trạng móc ngoặc lợi ích nhóm… làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ công trình, uy tín của doanh nghiệp tham gia. Từ những bài học nhãn tiền, cố vấn phụ trách an ninh dự án đề nghị các bên liên quan cần thống nhất với nhau cơ chế hợp tác, làm việc để đẩy lùi nhũng nhiễu, lợi ích riêng, lợi ích cá nhân gây khó cho quá trình thực hiện dự án.

Tập đoàn Đèo Cả sẽ định kỳ công bố thông tin với các cơ quan báo chí, truyền thông về tình hình triển khai dự án, các vướng mắc và trách nhiệm của các bên liên quan để người dân và cơ quan có thẩm quyền kịp thời nắm bắt và đánh giá việc thực hiện trách nhiệm của các bên thông qua kênh giám sát cộng đồng. Theo đó, có sự tham gia giám sát của tổ chức Đảng, đoàn thể, báo chí và truyền thanh truyền hình địa phương.

Ông Hồ Minh Hoàng đã nêu các yêu cầu đối với các nhà thầu trong liên danh và thầu phụ, trong đó ưu tiên việc đánh giá năng lực các đơn vị, kiểm soát công việc, kiểm soát dòng tiền, ứng dụng công nghệ số trong dự án và sẵn sàng chia sẻ các ứng dụng này cho các bên liên quan. Đồng thời, Đèo Cả sẵn sàng thay thế những nhà thầu yếu kém và báo cáo cấp trên những vấn đề bất cập cản trở việc thực hiện công việc.

Với kinh nghiệm là nhà đầu tư, nhà thầu đã triển khai nhiều dự án trọng điểm trên cả nước, Đèo Cả đã nhận diện các rủi ro về hồ sơ đầu vào, năng lực các bên liên quan, nguồn vật liệu, biến động giá và các giải pháp để xử lý. Đặc biệt, các vướng mắc về mặt bằng đường tiếp cận, các hạng mục đường găng và vướng mắc về mỏ vật liệu, bãi thải báo cáo tại lễ khởi công và Thủ tướng đã có chỉ đạo các bên thúc đẩy nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Theo ông Cao Việt Hùng – Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, các gói thầu số 2 và 3 đã được Ban Quản lý dự án 2 gửi hồ sơ yêu cầu đến các liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu. Ban Quản lý dự án 2 đánh giá cao kinh nghiệm của Tập đoàn trong việc chủ động lập kế hoạch triển khai, thể hiện vai trò đứng đầu liên danh, quản lý các đơn vị trong liên danh và thầu phụ, có kế hoạch từ việc tổ chức triển khai dự án, thanh quyết toán và thanh thải khi kết thúc dự án.

Với việc tiên phong ứng dụng công nghệ và chủ động triển khai kênh giám sát cộng đồng, Ban Quản lý dự án 2 đánh giá rất cao và mong muốn Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ kinh nghiệm để Chủ đầu tư, tư vấn giám sát được tiếp cận, học hỏi, ứng dụng các công nghệ mới trong Quản lý dự án.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích