Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo chất lượng, tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia
(Xây dựng) – Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo về kiểm soát chặt chẽ các yếu tố tác động đến xây dựng công trình trọng điểm quốc gia.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet). |
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, chất vấn Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV:
Triển khai các dự án, công trình trọng điểm quốc gia là khởi nguồn cho sự phục hồi, phát triển kinh tế, tạo động lực liên kết vùng và thông thương trên cả nước, nhằm phát triển đồng bộ kinh tế – xã hội.
Thời gian qua, cùng với giá xăng dầu liên tục tăng cao, kéo theo giá thành nguyên vật liệu tăng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công của các công trình xây dựng trọng điểm. Hầu hết, các nhà thầu bị mất cân đối tài chính do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng đột biến so với thời điểm đấu thầu, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công bị giãn hoặc chậm.
Để bảo đảm chất lượng và tiến độ thi công các công trình trọng điểm quốc gia, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan kiểm soát soát chặt chẽ các yếu tố tác động đến công trình, thường xuyên nắm bắt để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan, quyết tâm thực hiện hoàn thiện và “về đích sớm” đối với các công trình trọng điểm quốc gia…”.
Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ trả lời như sau:
Trong thời gian qua, giá nguyên, nhiên, vật liệu xây dựng, đặc biệt là giá thép, xăng dầu liên tục tăng cao đã tác động tiêu cực đến các hoạt động đầu tư xây dựng, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư xây dựng, trong đó có các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra các giải pháp, biện pháp đồng bộ về quản lý, điều hành để bình ổn giá, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố tác động đến xây dựng công trình. Các giải pháp, biện pháp này được cụ thể hóa tại các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ và đang được các Bộ, ngành, địa phương, tập trung triển khai thực hiện. Một số giải pháp, nhiệm vụ cụ thể là:
Đối với xăng dầu: Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng, dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước phản ánh, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu với liều lượng thích hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; ổn định thị trường, cân đối cung cầu và chủ động đầy đủ nguồn cung phục vụ cho nhu cầu trong nước. Đồng thời, tổ chức thực hiện và chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và công khai, minh bạch trong điều hành giá.
Đối với thép và các loại vật liệu xây dựng thông thường: Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước thông qua việc điều chỉnh, cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.
Bộ Xây dựng phối hợp với các Bộ, ngành tăng cường việc theo dõi, cập nhật biến động giá vật liệu xây dựng để kịp thời đề xuất các biện pháp bình ổn thị trường vật liệu xây dựng, chống độc quyền, đầu cơ găm hàng, nâng giá vật liệu xây dựng; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm đầy đủ thông tin của các vật liệu cho công trình xây dựng giao thông; nghiên cứu ban hành, điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách theo thẩm quyền về cơ chế chính sách quản lý giá nhiên, vật liệu xây dựng; kịp thời báo cáo những vấn đề vượt thẩm quyền.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu… tiếp tục đẩy nhanh triển khai thi công xây dựng các dự án, chủ động nguồn vật tư, vật liệu phục vụ xây dựng công trình bảo đảm tiến độ các dự án công trình giao thông tuân thủ hợp đồng đã ký và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì, phối hợp với các địa phương, tổ chức khảo sát, lập, đánh giá Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ cho các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về việc thực hiện cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia; tăng cường giám sát hoạt động cấp phép, khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ các công trình trọng điểm, cao tốc Bắc – Nam phía Đông; chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 của Chính phủ về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 (đã khởi công và sắp khởi công), trong đó thực hiện quản lý các hoạt động khai thác đất, đá, rà soát việc cấp giấy phép khai thác vật liệu cho thi công các dự án của Bộ Giao thông vận tải.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu và giá vật liệu xây dựng trên địa bàn; tổ chức xây dựng, công bố giá và chỉ số giá các loại vật liệu theo quy định và thực hiện các giải pháp để quản lý giá, bình ổn giá vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh kiểm tra xử lý các trường hợp lợi dụng đầu cơ tăng giá bất hợp lý. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, sử dụng đất, đá, cát, sỏi và các vật liệu xây dựng khác…
Để giải quyết tình trạng khan hiếm vật liệu thi công, nhất là nguồn vật liệu đất đắp nền đường tại các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020, cùng với việc ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020 (đã khởi công và sắp khởi công), Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc các sở, ngành và địa phương phối hợp với các ban quản lý dự án, tư vấn thỏa thuận về vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu, bãi đổ thải, công bố giá vật liệu cũng như triển khai các thủ tục liên quan để có thể sớm khai thác vật liệu phục vụ cho dự án, đặc biệt là giải quyết khó khăn về nguồn cung cấp cát tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu giải pháp sử dụng cát biển để thay thế nếu bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và môi trường.
Trong thời gian tới, để bảo đảm chất lượng và tiến độ thi công các công trình trọng điểm quốc gia, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Bộ Xây dựng tiếp tục theo dõi, cập nhật biến động giá vật liệu xây dựng, các yếu tố tác động đến chi phí đầu tư xây dựng công trình; kịp thời có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các địa phương về nghiệp vụ khảo sát thu thập số liệu, cách thức xác định giá vật liệu, thiết bị công trình.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tập trung tổ chức thực hiện việc xác định, công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng, thiết bị công trình theo quy định; kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp mặt bằng giá thị trường, tránh các hiện tượng đầu cơ, thổi giá. Tăng tần suất công bố để có đủ công cụ phục vụ quản lý chi phí, quản lý hợp đồng xây dựng;
Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát quy hoạch các nguồn cung vật liệu đất đắp, cát, đá, sỏi…; chủ động có các giải pháp để ứng phó, khắc phục trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung trên địa bàn; nâng cao chất lượng công tác dự báo về khả năng cung – cầu trên địa bàn, về biến động giá nhất là đối với các loại vật liệu xây dựng chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí đầu tư xây dựng.
Các Bộ quản lý xây dựng công trình chuyên ngành, chủ đầu tư các dự án: Tổng hợp danh mục vật liệu xây dựng theo yêu cầu kỹ thuật của công trình chuyên ngành, gửi các địa phương có cơ sở thực hiện xác định, công bố giá cho phù hợp với đặc thù sử dụng vật liệu của công trình.
Rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng chung và chuyên ngành để nghiên cứu, tìm kiếm và xây dựng bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn sử dụng các vật liệu xây dựng thay thế cho các vật liệu xây dựng truyền thống đang khan hiếm nguồn cung.
Nguồn: Báo xây dựng