Trí tuệ nhân tạo tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực trong cuộc sống

Theo dữ liệu của Mạng lưới Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam – Australia (Vietnam – Australia AI), trí tuệ nhân tạo (AI) có tiềm năng ứng dụng trong quản lý nhà nước, phục vụ nhu cầu cải tiến chính sách đầu tư, đề án xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số quốc gia và chính phủ điện tử.

Trong lĩnh vực kinh tế – xã hội, AI đã được ứng dụng trong một số ngành như thương mại điện tử (29%), giao thông vận tải và logistic (18%), giáo dục (13%), bất động sản (12%), tài chính (11%), nông nghiệp (5%) và các lĩnh vực khác (12%). Với ngành tài chính ngân hàng, AI được ứng dụng trong phần mềm trả lời tự động (chatbot), công cụ phát hiện gian lận và rửa tiền, hỗ trợ quyết định tín dụng. AI trong ngành thương mại có thể nhận diện mã sản phẩm, áp dụng sinh trắc học trong thanh toán điện tử.

Trong ngành giao thông và logistic, AI có thể phục vụ các trạm thu phí không dừng, trung tâm giám sát điều hành giao thông, hệ thống logistic thông minh hay taxi công nghệ. Robot thông minh tích hợp AI cũng được triển khai tại một số bệnh viện nhằm hỗ trợ cán bộ y tế. Dù vậy, mức độ áp dụng AI trong từng lĩnh vực còn chênh lệch. Một số thách thức khi áp dụng AI vào các ngành kinh tế – xã hội tại Việt Nam gồm cơ sở vật chất, thông tin phục vụ phát triển còn yếu, việc lưu trữ và chia sẻ dữ liệu chưa hiệu quả.

Cũng theo dữ liệu của Vietnam – Australia AI, số lượng bài báo quốc tế liên quan đến AI của Việt Nam liên tục tăng, đặc biệt trên các tạp chí quốc tế uy tín. Trong giai đoạn 1996-2018, lượng công bố khoa học của Việt Nam trên cơ sở dữ liệu Web of Science (cơ sở dữ liệu trích dẫn các tạp chí khoa học thế giới được tuyển chọn và quản lý bởi Clarivate Analytics) và Scopus (một cơ sở dữ liệu thư mục chứa bản tóm tắt và trích dẫn các bài báo khoa học) đứng thứ 5/10 trong khu vực ASEAN. Trên Scopus, lượng bài công bố về AI của Việt Nam chiếm khoảng 5,3%, gồm 1.643 bài về kỹ thuật AI lõi, 1.096 bài về thị giác máy tính.

Năm 2010, Việt Nam có 134 công bố khoa học về AI. Sau 7 năm, con số trên đã tăng gấp 4 lần, đạt 532 và 525 bài viết trong các năm 2017 và 2018. Từ 2010-2018, lượng công bố khoa học về AI của Việt Nam là gần 2.500 bài. Việt Nam có 372 hồ sơ xin cấp bằng sáng chế về AI, đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN. Năm 2019, tổng số nhân lực trong ngành Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ICT) của Việt Nam khoảng 970.000 người, trong đó lĩnh vực phần mềm và nội dung số chiếm khoảng 180.000 người. Lượng cán bộ nghiên cứu về AI (trong và ngoài nước) là 1.600 người.

Ảnh minh họa

Theo đại diện một số doanh nghiệp, trí tuệ nhân tạo hiện đang phủ sóng nhiều lĩnh vực, ngành nghề với tốc độ rất nhanh. Ông Trần Trung Hiếu, Founder & CEO TopCV, cho biết, tương lai ngành công nghiệp áp dụng AI ngày càng rộng mở, trong đó nổi trội về ứng dụng liên quan đến tự động hóa, các sản phẩm như xe tự lái, nhà thông minh dần trở nên hoàn thiện hơn dưới sự hỗ trợ của AI.

CEO Co-host AI ông Phạm Kim Cương cho biết công nghệ AI giúp ngành dịch vụ, khách sạn hoạt động tối ưu hơn. Ông phân tích, ngành dịch vụ có rất nhiều yêu cầu, nhân lực cần phải đào tạo qua nhiều bước, nhưng mọi thứ trở nên dễ dàng hơn với AI. Thông qua việc thu thập và phân tích dữ liệu, công nghệ AI có thể nắm bắt thông tin sử dụng dịch vụ của khách hàng, từ đó mang lại những giải pháp phù hợp với nhu cầu.

Về tiềm năng của trí tuệ nhân tạo, ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc FUNiX xSeries, nguyên trưởng nhóm R&D công ty Asilla Japan, nhận định AI sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong lĩnh vực giáo dục. Ông cho biết, AI sẽ là nhân tố chính giúp nền giáo dục cá nhân hóa. Bởi trên thực tế, mỗi người có quỹ thời gian khác nhau, cá nhân hóa với trợ lý ảo sẽ giúp tìm được lộ trình phù hợp với năng lực. AI cũng sẽ tác động về mặt trải nghiệm giáo dục và tìm ra nội dung học tập phù hợp với bản thân, tiếp cận tốt mục tiêu.

Các chuyên gia cho biết AI đang tác động nhiều khía cạnh trong cuộc sống, trong đó góp phần giúp kiểm soát đại dịch Covid-19, như ứng dụng thúc đẩy điều chế và thử nghiệm vaccine. Ông Trần Trung Hiếu đơn cử về việc AI phân tích dựa trên dữ liệu tiếng ho phát hiện Covid-19, từ đó giúp truy vết và dự đoán đỉnh dịch, khoanh vùng dịch.

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới, đến năm 2025 lực lượng lao động sẽ phân chia tỷ lệ con người (chiếm 48%) còn máy móc và thuật toán (chiếm 52%). Tuy nhiên, các diễn giả cho rằng nguồn nhân lực ngành AI, nhất là con người, rất quan trọng trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

“Người ta cho rằng ứng dụng AI có thể lấy đi công việc của con người, nhưng điều này có thể mất tới 50 năm để thay thế. Trên thực tế, con người sử dụng AI như công cụ hỗ trợ giúp công việc dễ dàng hơn, thời gian lao động ít hơn nhưng hiệu quả cao”, ông nói.

Ông Phạm Kim Cương cho biết thêm, ngoài chuyên gia ngành AI, những người sử dụng và ứng dụng thành thạo trí tuệ nhân tạo cũng là nguồn nhân lực tiềm năng và rất cần thiết ở ngành này. “Với ngành khách sạn dịch vụ, rất cần những người xử lý và làm sạch dữ liệu để sử dụng trong các doanh nghiệp lớn”, ông nói.

Đồng quan điểm, ông Hải Nam cho biết các doanh nghiệp chuyên sâu về công nghệ, startup cũng có nhu cầu lớn về nhân lực về AI, trong đó có nhóm công việc liên quan đến tài nguyên AI như kĩ sư dữ liệu…

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích