Trí tuệ nhân tạo: Phát triển nhanh chóng nhưng cũng cần sự kiểm soát chặt chẽ

Nhìn nhận vào thực tế, AI đã vượt qua con người ở nhiều lĩnh vực. Đến chính GS Leslie Gabriel Valiant, chuyên gia về Khoa học máy tính và Toán ứng dụng tại Đại học Harvard (Mỹ) cũng đã thừa nhận “Chúng ta thường trấn an nhau rằng, có những điều máy móc không thể thay thế con người. Nhưng tôi không trấn an như vậy. Tất cả mọi thứ chúng ta thực hiện trong thế giới thực này máy tính đều có thể làm được. Đây là khoa học, không có gì để bàn cãi. Máy móc có năng lực vô hạn, vấn đề là thời điểm nào”.

Đồng quan điểm, TS Xuedong David Huang, Giám đốc Công nghệ của Tập đoàn Zoom nhận định AI đang làm thay đổi GDP toàn cầu. Chẳng hạn, trong trường Luật, các luật sư tương lai phải tham gia các kỳ thi. Con người tham gia thi và có điểm trung bình là 68%. Trong khi đó, các công cụ AI cũng thi là GPT4, ChatGPT và Chat GPT – 3.5 có thể trí tuệ thấp hơn con người, điểm thi lại vượt trội hơn, lên tới 75,7%. “Rõ ràng con người hiện không thể thắng nổi máy tính nữa”, TS Huang cho hay.

Về những thách thức về an ninh mà AI đem tới, TS. Padmanabhan Anandan, nhà khoa học nổi tiếng toàn cầu về thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo cho rằng nỗi lo lắng này có phần cường điệu.

“Giống như con dao, có thể dùng cho cả mục đích tốt lẫn xấu. AI cũng vậy. Vấn đề là cơ chế kiểm soát”, TS. Padmanabhan Anandan nhận định.

Ông đưa ra cơ chế kiểm soát ba bước đối với AI. Một là kiểm soát kiểm soát quá trình sản xuất. Hai là kiểm soát quá trình ứng dụng, cho phép dùng AI trong những lĩnh vực nào. Ba là, đến một mức độ nào đó, cần kiểm soát ai được quyền phát triển AI, ai được sử dụng AI và và sử dụng vì mục đích gì.

Tuy nhiên trên thực tế không ít quốc gia có chung nỗi lo về những tác động tiêu cực AI đem tới. Cuối tháng 10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp để kiểm soát AI thông qua quy định, một phần trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro mà công nghệ gây ra cho người tiêu dùng, người lao động, các nhóm thiểu số lẫn vấn đề an ninh quốc gia.

Quy định mới yêu cầu các nhà phát triển hệ thống trí tuệ nhân tạo có tiềm ẩn rủi ro cho an ninh quốc gia, nền kinh tế và sức khỏe cộng đồng, phải trình bày kết quả kiểm tra an toàn với chính phủ Mỹ, phù hợp với Đạo luật sản xuất quốc phòng. Ông Biden cũng chỉ đạo các cơ quan đặt ra tiêu chuẩn chặt chẽ cho cuộc thử nghiệm đó và giải quyết các rủi ro liên quan hóa học, sinh học, phóng xạ, hạt nhân và an ninh mạng. Trong khi đó, Anh cũng đẩy mạnh kiểm soát công nghệ cao thông qua việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên về AI tại London (Anh) vào đầu tháng 11 vừa qua.

Tại Việt Nam, theo TS Bùi Hải Hưng, Tổng giám đốc VinAI (thuộc Vingroup) với sự xuất hiện của các trào lưu trên thế giới như ChatGPT, AI được đánh giá có tốc độ phát triển ngày càng nhanh hơn. Do đó, làm thế nào để các đội ngũ đang theo đuổi và làm việc trong lĩnh vực này cần phải nắm được các trào lưu trên thế giới, đồng thời bắt kịp chúng để tạo ra các giá trị trúng đích. Điều này cũng cho thấy cộng đồng AI thế giới và cộng đồng AI Việt Nam cần tạo nên mối liên hệ mật thiết.

Bên cạnh đó, TS Hưng cũng băn khoăn, công nghệ càng phát triển thì sự ảnh hưởng của nó đến xã hội lại càng lớn. Trên thực tế, AI có thể bị lợi dụng dùng vào mục đích xấu. Do đó, để sử dụng AI một cách an toàn, cần phải có những luật đặt ra từ phía các chính phủ. Các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc nghiêm túc về vấn đề này. AI có thể là cộng sự hữu ích nhất, người bạn đồng hành tuyệt vời để con người nâng cao năng lực cũng như năng suất làm việc. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, con người cần giữ quyền kiểm soát.

GS. Vũ Hà Văn – Giáo sư Đại học Yale, Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc khoa học của Công ty cổ phần VinBigdata (Công ty chuyên về công nghệ, dữ liệu, trí tuệ nhân tạo thuộc tập đoàn Vingroup) – đặt ra một vấn đề đầy quan ngại về việc máy tính tự kiểm soát các thuật toán AI và mô hình ngôn ngữ lớn. Điều này đặt ra yêu cầu cao về khả năng kiểm soát và quản lý của con người trong việc sử dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo. Trong bối cảnh này, việc thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ là quan trọng để đảm bảo rằng sức mạnh của AI sẽ được hướng dẫn và sử dụng một cách an toàn, mang lại lợi ích lớn cho con người và xã hội.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích