Trí tuệ nhân tạo có thể dự đoán ung thư tuyến tụy sớm ba năm
Sàng lọc dân số là khi các chuyên gia thực hiện xét nghiệm di truyền hoặc các phương pháp tương tự để xem xét mức độ phổ biến của một đặc điểm sinh học cụ thể trong một nhóm người. Quá trình này giúp tìm ra dấu hiệu riêng của một số bệnh.
Nghiên cứu do các chuyên gia tại Trường Y Harvard, Đại học Copenhagen phối hợp với Hệ thống Y tế VA Boston, Viện Ung thư Dana-Farber và Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan thực hiện mở ra kỳ vọng cho việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy trước ba năm.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã áp dụng thuật toán AI cho dữ liệu lâm sàng của 9 triệu bệnh nhân từ Đan Mạch và Mỹ. Họ đào tạo mô hình học máy (machine learning) để đọc các mã chẩn đoán trong hồ sơ bệnh án và kết nối với bệnh ung thư tuyến tụy. Các chuyên gia cũng thử nghiệm phiên bản AI khác nhau để chẩn đoán nguy cơ ung thư vào từng thời điểm: 6 tháng, một, hai, ba năm. Họ nhận thấy phương pháp này cho kết quả chính xác hơn các cách chẩn đoán và phát triển ung thư tụy đang phổ biến hiện nay.
Nhờ trí tuệ nhân tạo, con người có thể phát hiện sớm bệnh ung thư. Ảnh minh hoạ
Theo Giáo sư Chris Sander, Trường Y Harvard, kiêm giám sát nghiên cứu, công cụ AI giúp phát hiện sớm người có nguy cơ mắc ung thư tuyến tụy, từ đó tiết kiệm tài chính, thời gian cho bệnh nhân cũng như giúp bác sĩ tập trung cứu chữa người bệnh.
“Một trong những điều quan trọng nhất mà các bác sĩ lâm sàng phải đối mặt hàng ngày là phân biệt ai có nguy cơ mắc ung thư cao hơn, ai cần xét nghiệm thêm, ai cần thực hiện những thủ tục xâm lấn tốn kém và nhiều rủi ro”, ông Sander nói thêm rằng công cụ trên có thể khắc phục điều này. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, công nghệ này vẫn ở trong giai đoạn đầu nghiên cứu, cần thử nghiệm thêm.
Hiện, ung thư tuyến tụy là một trong những căn bệnh nguy hiểm và khó phát hiện sớm. Một số triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm vàng da, đau thắt lưng, bụng trên, sụt cân, ngứa da và mệt mỏi. Thông thường, khi bệnh nhân được chẩn đoán, ung thư đã phát triển đến giai đoạn muộn, bởi khối u giai đoạn đầu thường không xuất hiện trên xét nghiệm hình ảnh. Lúc này, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ là 12,5%.
“Nhiều loại ung thư, đặc biệt những loại khó xác định và điều trị sớm, gây tổn hại đến bệnh nhân, gia đình và toàn bộ hệ thống sức khỏe”, Soren Brunak, giáo sư sinh học hệ thống bệnh tại Đại học Copenhagen, giám sát viên nghiên cứu, nhận định. Theo ông, sàng lọc bằng AI là cơ hội để cải thiện điều này.
Bảo Lâm