Trị giá xuất khẩu dệt may năm nay mục tiêu sẽ đạt 44 tỷ USD
(Xây dựng) – Mới đây, trao đổi với báo chí, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, hiện hầu hết doanh nghiệp dệt may đã kín đơn hàng xuất khẩu đến hết năm. Trị giá xuất khẩu dệt may cả năm nay chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra là 44 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp đang tích cực đàm phán đơn hàng xuất khẩu quý I/2025.
Ảnh minh họa. |
Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035 được Chính phủ phê duyệt mới đây sẽ là nền móng thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sợi -dệt – nhuộm, tạo cơ hội cho ngành dệt may tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong tháng 7, xuất khẩu hàng dệt may đạt 3,72 tỷ USD, tăng 17,6% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng năm nay, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này là 20,27 tỷ USD, tăng 6,3% (tương ứng tăng 1,2 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất khẩu, so với cùng kỳ năm trước, 7 tháng qua, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của dệt may Việt Nam với trị giá đạt 8,93 tỷ USD, tăng 5,5%. Cạnh đó, xuất khẩu dệt may sang EU (27 nước) đạt 2,82 tỷ USD, tăng 3,5%; Nhật Bản đạt 2,3 tỷ USD, tăng 6,2% và Hàn Quốc đạt 1,63 tỷ USD, tăng 0,2%.
Tính tới hết tháng 8, xuất khẩu toàn ngành dệt may đã đạt 28,6 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng chú ý là hầu hết doanh nghiệp đã kín đơn hàng hết quý 3, quý 4 năm nay. Các doanh nghiệp đang tích cực đàm phán đơn hàng xuất khẩu quý 1/2025.
Trước đó, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Cao Hữu Hiếu phân tích, với ngành may, năm 2024 có những tín hiệu thuận lợi hơn. Ngành may nói chung và các doanh nghiệp may trong tập đoàn nói riêng, câu chuyện đơn hàng không quá khó, các doanh nghiệp đủ đơn hàng từ những tháng đầu năm. Tuy nhiên, điểm mấu chốt của năm nay là giá đơn hàng không tăng. Doanh nghiệp làm với giá rất thấp, tương đương mặt bằng chung của giá năm 2023.
Đề cập vấn đề giá đơn hàng thấp, ông Giang nhìn nhận, năm nay nền kinh tế toàn cầu vẫn khó khăn nên sức mua toàn cầu thấp. Điều này khiến các nhà mua hàng cũng phải tạo ra áp lực cạnh tranh giá giữa các nước trong cùng khu vực.
Giá mấy năm qua không tăng, tuy nhiên xuất khẩu dệt may Việt Nam nói chung vẫn ghi nhận tăng trưởng. Theo ông Giang, điều này xuất phát từ 2 khía cạnh chính. Thứ nhất, doanh nghiệp chuyển đổi dần sang làm hàng ODM, phát triển từ mẫu, làm tăng giá trị gia tăng.
Đối mặt với khó khăn về giá thấp của ngành may, ông Cao Hữu Hiếu nhấn mạnh “không phải là doanh nghiệp chấp nhận làm lỗ”. Giải pháp được lãnh đạo Vinatex nhắc tới là các doanh nghiệp phải quản trị thật tốt để tăng năng suất, chất lượng và tiết kiệm chi phí, cố gắng tối ưu chi phí để có hiệu quả cao nhất.
Một trong những yếu tố quan trọng nữa là nhờ đưa công nghệ, thiết bị tự động hóa vào ngành công nghiệp dệt may. Điều này làm tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh cho ngành dệt may Việt Nam trong thời gian qua.
Nửa cuối năm, Vinatex nhìn nhận các doanh nghiệp sẽ chịu áp lực cạnh tranh về đơn giá trong bối cảnh đơn giá vốn đã thấp của 2 năm qua chưa cải thiện. Mặt khác, cước vận tải biển, tiền lương, tiền điện, lãi suất ngân hàng… được dự báo tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến hiệu suất sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên cơ sở tín hiệu đơn hàng của ngành may, các tín hiệu của ngành sợi, dệt nhuộm, ông Hiếu dự báo năm nay, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may sẽ tăng khoảng 8 – 10% so với năm 2023.
Với những kết quả xuất khẩu đã đạt được, ông Giang khẳng định: “Trị giá xuất khẩu dệt may cả năm nay chắc chắn sẽ đạt mục tiêu đề ra là 44 tỷ USD”.
Nguồn: Báo xây dựng