‘Trị bệnh’ sợ trách nhiệm, sợ sai để gỡ vướng thị trường bất động sản
Theo HoREA, đi đôi với tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính thì rất cần sớm khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định.
Cán bộ sợ sai
Ngày 21/11, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND TPHCM bày tỏ kỳ vọng vào quyết định số 1435/QĐ-TTg về “Thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp”.
Trước đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chủ trì các cuộc họp với một số doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội, TPHCM để đánh giá thực chất các khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1435/QĐ-TTg với thông điệp: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ và luôn đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn.
Hiện này, có khoảng 70% dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại bị vướng mắc pháp lý. |
Theo HoREA, trên thực tế có khoảng 70% dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc pháp lý nên quyết định số 1435/QĐ-TTg được ban hành rất kịp thời, tác động tích cực và có tính lan tỏa, giúp cho thị trường bất động sản phần nào lấy lại niềm tin và ổn định một bước tâm lý thị trường, tâm lý khách hàng và nhà đầu tư, tiếp thêm động lực để các doanh nghiệp nỗ lực tự cứu mình nhằm giữ chữ tín với khách hàng, đối tác và đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cơ cấu đầu tư và sản phẩm nhà ở hướng đến nhu cầu thực.
Đồng thời theo HoREA, các doanh nghiệp cũng đã có được các bài học đắt giá để khắc phục các “sai lệch” trong hoạt động đầu tư kinh doanh. Trước hết, doanh nghiệp phải luôn chấp hành pháp luật và không chỉ chạy theo lợi nhuận mà phải bảo đảm nguyên tắc đạt cho được điểm cân bằng, hài hoà lợi ích của người dân, doanh nghiệp, lợi ích của Nhà nước đại diện cho lợi ích công cộng, để thị trường bất động sản phục hồi và phát triển trở lại theo hướng ngày càng minh bạch, bền vững.
Theo HoREA, từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các cấp có thẩm quyền Trung ương đã ban hành rất nhiều văn bản định hướng chiến lược, đặc biệt là Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đặt ra mục tiêu cụ thể là “đến năm 2023, phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất”.
Do đó, HoREA cho rằng, 2 năm 2022 – 2023 là “thời điểm vàng” để xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản. Tuy nhiên, để giải quyết các vướng mắc do quy định của các luật thì phải cần có thời gian nên trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ khẩn trương xem xét ban hành ngay trong tháng 11/2022 “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng” và “Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai” để tháo gỡ ngay một số khó khăn, vướng mắc cụ thể của các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở.
Doanh nghiệp bất động sản đang gặp rất nhiều khó khăn. |
Theo HoREA, đi đôi với tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính thì rất cần sớm khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý trong một số cán bộ công chức dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, không dám đề xuất, không dám quyết định.
“Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp bất động sản rất phấn khởi đón nhận quyết định số 1435/QĐ-TTg. Người mua nhà và nhà đầu tư đều rất kỳ vọng Tổ công tác sẽ khẩn trương xem xét, giải quyết hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét để sớm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định xã hội”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA nói.
Lắng nghe doanh nghiệp nói
Theo ông Lê Hoàng Châu, thị trường bất động sản là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, đóng góp khoảng 11-13% GDP, liên quan đến hơn 35 ngành nghề thuộc hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế và tạo công ăn việc làm cho hàng triệu người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội về nhà ở cho người dân.
Do vị trí đặc biệt quan trọng của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, HoREA đề nghị Tổ công tác khẩn trương làm việc với UBND TP Hà Nội, UBND TPHCM và một số tỉnh trọng điểm. HoREA cũng đề nghị Tổ công tác sắp xếp gặp trực tiếp doanh nghiệp để nghe trình bày các vướng mắc, khó khăn cụ thể. Đồng thời, hằng tuần Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để được xem xét, giải quyết, chỉ đạo kịp thời.
Thị trường bất động sản là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, đóng góp khoảng 11-13% GDP, liên quan đến hơn 35 ngành nghề. |
Ngoài ra, HoREA cho biết rất hoan nghênh ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM trong phiên họp ngày 19/11 về tình hình kinh tế xã hội của thành phố đã xác định, nhiệm vụ từ nay đến cuối năm là trách nhiệm của các sở, ban ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính.
Để công việc trôi chảy, tại cuộc họp, ông Mãi đề nghị chia thành 3 nhóm công việc. Cụ thể, đối với nhóm công việc không thể giải quyết, các sở, ban ngành, địa phương phải trả lời để các tổ chức, cá nhân biết. Nhóm giải quyết được thì phải giải quyết đúng thẩm quyền, đúng tiến độ. Nhóm cần báo cáo xin ý kiến các cơ quan đơn vị phải báo cáo kịp thời để UBND TPHCM giải quyết hoặc báo cáo Chính phủ và các bộ, ngành.
Trước đó, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng đã phê duyệt tờ trình của Sở Xây dựng dự kiến khoảng ngày 15/12 sẽ tổ chức cuộc họp với một số doanh nghiệp bất động sản để lắng nghe và xem xét tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các dự án bất động sản, đô thị, nhà ở thương mại. Tuy nhiên, do đã có quyết định số 1435/QĐ-TTg nên HoREA đề nghị UBND TPHCM tổ chức cuộc họp này sớm hơn là vào đầu tháng 12/2022.
Nguồn: Báo xây dựng