Tri ân – Ân nặng nghĩa tình
Lễ ra mắt Tạp chí điện tử Tri Ân ngày 26.9.2016.
Có thể chia chùm ca khúc này thành 2 chủ đề:
Chủ đề thứ nhất – Ca ngợi sứ mệnh của Tạp chí điện tử Tri Ân, gồm 3 ca khúc, cùng được phổ thơ của nhà báo Đỗ Văn Phú – Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Tri Ân.
Ca khúc “Lời Bác dạy truyền mãi mai sau”, sáng tác của Nhạc sĩ lão làng Đoàn Bổng, được viết ở cung La thứ, nhịp 2/4. Với cấu trúc ngắn gọn, khúc triết, tiết tấu đơn giản, nên rất dễ phổ cập trong cộng đồng. Ca khúc hàm chứa thông điệp nhắc nhở chúng ta luôn luôn ghi nhớ và thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng” với sự hy sinh xương máu của biết bao thương binh, liệt sĩ vì sự nghiệp giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc.
Ca khúc “Tri ân – Ân nặng nghĩa tình”, sáng tác của Nhạc sĩ Quang Hiển, cũng được viết ở cung La thứ, nhịp 2/4. Motive nhạc của ca khúc này mang phong cách Pop ballat với giai điệu nhẹ nhàng, dễ nghe. Sự tương hợp giữa nhạc và lời của ca khúc này là khá ổn. Ca khúc đã “nói” được về một lĩnh vực đặc thù, tương đối thầm lặng của Tạp chí bằng ngôn ngữ âm nhạc một cách khá tự nhiên. Đó là “Giữa dòng đời hối hả, lặng lẽ một mạch nguồn” và đã bao hàm chủ đề của đĩa CD này là “Tri ân, Tri ân – Bao ân nặng nghĩa tình!”
Ca khúc “Khúc hát Tri ân“, sáng tác của nhạc sĩ Trần Tuấn Nghĩa, được viết ở cung Rê thứ, nhịp 2/4. Ca khúc này mang phong cách nhạc đồng quê – Country. Motive giai điệu được soạn theo trường phái cổ điển, với khúc thức cân xứng, đối xứng một cách khá chuẩn mực. Phần lời được biên soạn theo truyền thống dân gian, mang sắc thái của các làn điệu dân ca đồng bằng Bắc Bộ, nên rất dễ hát và dễ nhớ. Ca khúc đã khắc họa một cách khá rõ nét về sứ mệnh của Tạp chí, là đang góp phần thực hiện đạo lý sáng ngời của dân tộc Việt Nam ta: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
Chủ đề thứ hai – Đề cập đến các hoạt động và đóng góp cụ thể của Tạp chí điện tử Tri Ân, gồm 6 ca khúc.
Đầu tiên là 4 ca khúc của Nhạc sĩ Quang Hiển, đều phổ thơ của nhà báo Đỗ Văn Phú, với cùng một motive nhạc Pop Ballat.
Ca khúc “Đi tìm kim cương đen” được viết ở cung Rê trưởng, nhịp 2/4. Đó là khúc ngợi ca tinh thần đồng đội, sự gắn bó máu thịt trong chiến hào – Một thuộc tính đặc biệt của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. Hình ảnh các cựu chiến binh “Không ngại tuổi cao sức cạn” vẫn đang ngày đêm “Lội suối trèo non” đi tìm phần mộ các đồng đội còn lẩn khuất nơi rừng sâu vách núi, thật là cảm động. Ca khúc này khắc họa lòng tri ân của chính các động đội còn được trở về quê hương sau cuộc chiến, gửi đến các đồng đội còn nằm lại nơi hoang vắng. “Qua nửa thế kỷ rồi nằm trong lòng đất, nơi các anh nằm xương trắng hóa kim cương đen” không chỉ là một ánh nhìn mới, mà chính là tình cảm thiêng liêng, sự tôn quý của chúng ta đối với với các Anh hùng Liệt sĩ đã vì nước quên thân mà chưa được trở về với Mẹ!
Ca khúc “Đất nước mình đâu cũng là quê hương“, được viết ở cung La thứ, nhịp 2/4, là khúc bi ca nhỏ, về nỗi niềm buồn thương của biết bao gia đình đang đau đáu chờ mong ngày tìm được di hài người thân của mình còn lẫn khuất nơi xa lạnh. Và cũng là lời tự an ủi đối với người đang sống và người còn đang xa khuất rằng “Ngàn thu bên đồng đội cho đất nước yên bình” và “Đất nước mình tươi đẹp, đâu cũng là quê hương”.
Ca khúc “Mẹ ơi con đã về đây” được viết ở cung Sol thứ, nhịp 4/4 là một khúc tự sự về nỗi lòng của người mẹ, đang mỏi mòn theo năm tháng, bỗng như mơ, khi có ngày được ôm đứa con trai bé bỏng vào lòng, dù chỉ là “Bộ hài cốt nhẹ tênh”.
Ca khúc “Dải Ngân hà tháng Bảy” cũng được viết ở cung La thứ, nhịp 2/4 là hình ảnh rất ấn tượng trên khắp nẻo quê hương vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh – Liệt sĩ 27.7 hàng năm: “Nến đỏ lung linh” như “Sao sáng dải Ngân hà“. Đó là biểu tượng rực sáng của lòng tri ân đối với những người con thân yêu đã hiến dâng tuổi trẻ cho đất nước, sẽ mãi bất tử trong lòng dân tộc
Tiếp theo là 2 ca khúc của Nhạc sĩ Quỳnh Hợp, có tên là “Tìm cha” và “Mãi nhớ thương anh” được viết ở cung Rê trưởng và cung La thứ, đều với nhịp 6/8.
Motive nhạc của 2 ca khúc này mang âm hưởng đương đại. Với bút pháp đi từ cái riêng đến cái chung, để tôn vinh công lao và thể hiện một cách sâu lắng lòng biết ơn đối với sự hy sinh vì sự tồn vong của dân tộc, vì độc lập tự do, vì cuộc sống hòa bình hạnh phúc của toàn dân tộc. Đó là “Cha và bao đồng đội của mình đã bất tử trong lòng Điện Biên” và hãy cùng thắp cho các anh nén nhang, nhờ “hương khói mang theo lòng biết ơn những liệt sĩ trung dũng kiên cường”.
Dù đây chưa phải là tập hợp đầy đủ các ca khúc được viết riêng tặng cho Tạp chí điện tử Tri Ân, nhưng cũng đã phần nào ghi nhận vai trò và sứ mệnh của Tạp chí bằng ngôn ngữ âm nhạc, góp phần thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng” với sự hy sinh xương máu của biết bao thương binh, liệt sĩ vì sự nghiệp giành độc lập và bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta.
Nguồn: hoanhap.vn