Trên 1.300 chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục tại Hà Nội được hỗ trợ an sinh
Thông tin của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội cho biết, chính sách hỗ trợ an sinh xã hội đặc thù của thành phố Hà Nội đang tiếp tục được cơ quan chức năng, các địa phương triển khai khẩn trương, linh hoạt.
Đến hết ngày 14/10, các quận, huyện đã phê duyệt chính sách hỗ trợ đặc thù cho 5.454 người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp có ký hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động với số tiền 11,03 tỷ đồng, đã thực hiện chi trả hỗ trợ cho 5.078 người với số tiền 10,21 tỷ đồng.
Cán bộ chính sách ở huyện Hoài Đức đội mưa tới nhà trao kinh phí hỗ trợ đặc thù cho người dân |
Cùng đó, các địa phương cũng phê duyệt quyết định và thực hiện hỗ trợ cho 141 người lao động làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp phải chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 với số tiền 263,5 triệu đồng (trong đó đã hỗ trợ cho 140 người với số tiền 261 triệu đồng).
Đặc biệt, các quận, huyện đã phê duyệt hỗ trợ cho 1.330 chủ nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đủ điều kiện hoạt động phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên với số tiền 3,99 tỷ đồng, trong đó đã hỗ trợ cho 1.264 chủ cơ sở với số tiền 3,79 tỷ đồng.
Ngoài 3 nhóm đối tượng nêu trên, Hà Nội hỗ trợ đặc thù cho 5 nhóm đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hiện tại, 30/30 quận, huyện, thị xã đã hoàn thành công tác chi hỗ trợ cho 282.030 người thuộc đối tượng người có công; bảo trợ xã hội; hộ nghèo, cận nghèo với số tiền 282,03 tỷ đồng. Với nhóm đối tượng người lao động làm việc tại hộ kinh doanh phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ bổ sung đối với người đang mang thai, người đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em dưới 6 tuổi, đến nay, có 3 địa phương (Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Thanh Oai) quyết định và hỗ trợ cho 27 người với kinh phí 51,5 triệu đồng.
Với nhóm người lao động làm việc tại hộ kinh doanh chấm dứt hợp đồng lao động do hộ kinh doanh phải dừng hoạt động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ bổ sung đối với người đang mang thai, người đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em dưới 6 tuổi, đến nay, mới có đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB&XH quyết định và hỗ trợ được 2 người với số tiền 4 triệu đồng.
Tính chung, đến thời điểm này, Thành phố đã phê duyệt và thực hiện hỗ trợ đối với 8/8 nhóm đối tượng quy định tại Nghị quyết 15/NQ-HĐND; các địa phương đã rà soát và ra quyết định hỗ trợ cho 289.375 người, hộ kinh doanh với kinh phí phê duyệt là 297,76 tỷ đồng, 288.541 đối tượng đã được thụ hưởng hỗ trợ với kinh phí 296,34 tỷ đồng.
Cùng nguồn kinh phí từ ngân sách, với tinh thần “tương thân tương ái”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, từ khi Thành phố thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 đến nay, các tổ chức chính trị, xã hội và một số quận, huyện, thị xã đã huy động nhiều nguồn lực xã hội và quà của các nhà hảo tâm để cùng chung sức tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa giúp đỡ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho 1,059 triệu lượt người, hộ gia đình còn khó khăn trên địa bàn ổn định cuộc sống, tổng trị giá các nguồn lực hỗ trợ là 304,08 tỷ đồng.
Nguồn: Báo lao động thủ đô