Trẻ tăng nguy cơ béo phì trong mùa dịch, làm thế nào để phòng ngừa?

Trẻ tăng nguy cơ béo phì trong mùa dịch, làm thế nào để phòng ngừa?

Theo chuyên gia dinh dưỡng, ngoài chế độ ăn hợp lý thì tăng cường hoạt động thể lực tại nhà là giải pháp hữu hiệu giúp trẻ phòng ngừa nguy cơ béo phì trong mùa dịch.

Nguy cơ trẻ thừa cân, béo phì trong mùa dịch

Trước thực tế dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhiều địa phương áp dụng các mức độ giãn cách xã hội, trong đó có biện pháp cho học sinh nghỉ học và học ở nhà.

Dịch bệnh không chỉ gây ra những vấn đề về sức khỏe, đời sống xã hội mà còn là nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ người thừa cân béo phì, đặc biệt là trẻ em. Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý thì tăng cường hoạt động thể lực tại nhà là giải pháp hữu hiệu phòng thừa cân béo phì.

Theo ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến – Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khi ở nhà, thì môi trường, điều kiện, thời gian,… để các cháu thực hiện và duy trì hoạt động thể lực bị ảnh hưởng, đó là nguy cơ làm gia tăng tỷ lệ thừa cân béo phì.

Van-dong04

Ngay từ khi còn nhỏ, các bậc phụ huynh hãy hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn trẻ hoạt động thể lực sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển (Ảnh: Hạnh Ngân).

Lối sống tĩnh tại, ít vận động và hoạt động thể lực, lối sống này càng được phát huy hơn khi các cháu ở nhà, thời gian ngồi xem ti vi, chơi điện tử và ngủ nhiều. Với trẻ lớn thì học online bằng các thiết bị điện tử như máy tính, iPad, iPhone,…làm ảnh hưởng đến thị lực mắt của trẻ.

Đặc biệt, trẻ ít vận động do không gian chật chội, thiếu trang thiết bị dụng cụ, thiếu bạn bè, nguồn động lực để ganh đua,…Trong khi đó, gia đình lại có nhiều đồ ăn dự trữ, tạo điều kiện thuận lợi cho các cháu tính ăn vặt, thích là ăn.

Các thức ăn vặt là những đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh như bánh kẹo ngọt, bim bim, xúc xích,… các loại nước ngọt lại chứa rất nhiều năng lượng, chất béo, đường sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ, đặc biệt dễ gây thừa cân, béo phì.

Van-dong05

Các đồ ăn nhiều năng lượng, chất béo, đường sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ, đặc biệt dễ gây thừa cân, béo phì (Ảnh: Huế Nguyễn).

Chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cảnh báo, tác hại của thừa cân, béo phì ở trẻ em rất đáng quan tâm vì trẻ em là một cơ thể đang phát triển. Nguy cơ đầu tiên của béo phì trẻ em là khi đến tuổi trưởng thành, trẻ dễ mắc các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ,…

Ngoài nguy cơ về sức khỏe thể chất, trẻ em béo phì còn bị tác động tới tâm lý. Với ngoại hình đặc biệt, trẻ béo phì chậm chạp, mặc cảm tự ti, ngại giao tiếp xã hội, dễ bị trêu chọc, tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến trầm cảm, làm giảm sút hiệu quả học tập, lao động và chất lượng cuộc sống.

Giải pháp phòng ngừa trẻ béo phì trong mùa dịch

ThS. BS. Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, cùng với chế độ dinh dưỡng hợp lý thì biện pháp tăng cường hoạt động thể lực và lối sống lành mạnh sẽ giúp phòng thừa cân, béo phì.

Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động thể lực giúp trẻ phát triển chiều cao, duy trì sức khoẻ tốt, giúp tiêu hao năng lượng thừa nhằm giảm sự tích tụ chất béo, giảm thừa cân, béo phì.

Với trẻ lớn khuyến khích lối sống tích cực, hạn chế lối sống tĩnh tại, thì phụ huynh cần cổ vũ, động viên, tìm hiểu sở thích của trẻ. Những hoạt động thể lực phù hợp theo lứa tuổi, duy trì đều đặn mỗi ngày và thường xuyên thay đổi giúp cho cơ thể phát triển khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ và sảng khoái.

Van-dong08

Tăng cường hoạt động thể lực giúp trẻ phát triển chiều cao, duy trì sức khoẻ tốt, giúp tiêu hao năng lượng thừa nhằm giảm sự tích tụ chất béo, giảm thừa cân, béo phì (Ảnh: Hạnh Ngân).

Ngay từ khi còn nhỏ, các bậc phụ huynh hãy hỗ trợ, giúp đỡ và hướng dẫn trẻ hoạt động thể lực sao cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Nên khuyến khích trẻ tham gia các công việc nhà như quyét dọn, lau dọn bàn ghế, sắp xếp đồ đạc, lau nhà, nấu ăn, rửa bát,… chơi các môn thể dục thể thao trong nhà như đi bộ, nhảy dây, lắc vòng, tập xà đơn, chống đẩy,…

Ngoài ra, việc tập luyện thể dục đúng cách còn giúp giấc ngủ đến nhanh và sâu hơn, đặc biệt là với những trẻ ngủ không ngon giấc. Bên cạnh đó, thể dục còn giúp cho trẻ nâng cao các kỹ năng sống, giảm stress, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường,… 

Van-dong06

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cùng với các biện pháp tăng cường hoạt động thể lực và lối sống lành mạnh sẽ giúp trẻ nhỏ phòng tránh thừa cân, béo phì (Ảnh: Huế Nguyễn).

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, khi hoạt động thể lực phải phù hợp theo lứa tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe, không nên quá sức. Bình thường sau 20 – 30 phút hoạt động thể lực, cơ thể sẽ cảm thấy sảng khoái và khỏe mạnh. Ngược lại, nếu sau thời gian trên mà cơ thể mệt mỏi, uể oải điều này chứng tỏ đã hoạt động quá sức.

Trước khi tập thể dục, không được ăn no, không uống nhiều nước và cần khởi động cơ thể từ 5 – 10 phút. Thời điểm thể dục tùy theo mùa, thời tiết, bình thường buổi sáng khoảng từ 7h – 10h, buổi chiều từ 15 – 17h, khi hoạt động thể lực làm mồ hôi tiết ra kéo theo chất độc trong cơ thể thải ra và nó tỷ lệ thuận với lượng mồ hôi.

Hoạt động ít nhất từ 30 – 60 phút chia làm 2 – 3 lần/ngày, ít nhất 150 phút/tuần, không nên vận động thời gian quá dài và quá sức. Đồng thời thực hiện ăn uống hợp lý, lành mạnh mỗi ngày giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ trong mùa dịch.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Bạn cũng có thể thích