Trẻ mắc bệnh đường hô hấp ở TP.HCM tăng mạnh
Trẻ mắc bệnh đường hô hấp ở TP.HCM tăng mạnh
Thời tiết thay đổi, virus tấn công trẻ nhỏ khiến số trẻ mắc các bệnh lý đường hô hấp tại TP.HCM tăng nhanh. Các bệnh viện nhi đồng phải “căng mình” thăm khám, điều trị cho bệnh nhi.
Phòng cấp cứu kín trẻ mắc bệnh hô hấp
Sáng 12-10, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) – cho biết những ngày qua, số trẻ đến khám và điều trị tại bệnh viện liên quan các bệnh lý đường hô hấp (nhiễm siêu vi, hen suyễn, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản…) tăng. So với cùng kỳ năm ngoái, số lượng này tăng khoảng 1,5 lần.
Theo đó, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 2.000 – 2.500 trẻ đến khám, trong đó có 300 – 500 bệnh nhi mắc các bệnh về đường hô hấp. Số bệnh nhi mắc bệnh hô hấp phải nhập viện chiếm 10-15% trong tổng số 300 – 500 bệnh nhi đến khám.
Đáng lưu ý, có nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp nặng. “Ghi nhận bệnh diễn tiến nặng nhanh ở nhiều trẻ. Có trẻ đang vui chơi, xem tivi buổi tối thì bỗng dưng lại có biểu hiện như cơn hen. Khi đưa đến bệnh viện, phụ huynh rất sốc khi gia đình không ai có tiền sử mắc bệnh hen suyễn”, bác sĩ Tiến nói.
Bế con gái một tháng tuổi trên tay, chị H.N (30 tuổi, TP.HCM) không khỏi căng thẳng khi nhớ lại cảnh bé tím tái ở nhà.
Ban đầu, bé chỉ ho nhẹ vài tiếng. Chị dự tính hôm sau sẽ đưa đi khám nhưng bệnh chuyển nặng rất nhanh, bé đột ngột tím người, khó thở. Gia đình vội đưa con đi cấp cứu ở bệnh viện gần nhà, sau đó đến Bệnh viện Nhi đồng 2, điều trị một tuần ở Khoa Hồi sức sơ sinh.
Đáng nói, cả người em sinh đôi của bé cũng bị viêm phổi và nhập viện cùng lúc. Gia đình chị H.N phải chia nhau mỗi người một khoa để chăm con. Đến nay, bé được chuyển về Khoa Hô hấp 1 nhưng do tình trạng nặng, buộc phải theo dõi ở phòng cấp cứu. Người em vừa được xuất viện.
“Bác sĩ nói con bị viêm phổi nặng và biến chứng. Tôi không nghĩ bệnh chuyển nặng nhanh như thế, trở tay không kịp”, chị N. chia sẻ.
Giường bên cạnh, là một bé gái mới 28 ngày tuổi. Anh Ngô Văn Tùng (30 tuổi, ngụ Bình Phước) đang vỗ về con để vợ ra ngoài nghỉ mệt sau 3 ngày chăm sóc. Ban đầu, bé cũng chỉ sổ mũi, ho ít, được khám ở gần nhà.
Ngày thứ 2, con ho nhiều, khó thở, vợ chồng anh gấp rút chuyển con lên TP.HCM. “Hôm nay bé vẫn phải thở oxy nhưng đã đỡ hơn trước, giảm ho, ăn được. Lúc con khó thở phải cấp cứu, tôi hoảng hốt lắm, rất sợ”, người cha nói.
Lúc này, phòng Cấp cứu ở Khoa Hô hấp 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 gần như kín giường. 24 trẻ có tình trạng nặng đang được chăm sóc, nhiều ca phải thở oxy, thở áp lực dương liên tục qua mũi.
Số trẻ nhập viện sẽ còn tăng
Dự báo tình hình, bác sĩ Tiến cho rằng với thời tiết thay đổi, hay mưa như hiện nay, bệnh sẽ còn tiếp tục tăng. Bệnh viện cũng đã chuẩn bị nhân lực, vật lực để sẵn sàng ứng phó, không bị động.
Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, đại diện bệnh viện cho biết số trẻ mắc các bệnh đường hô hấp đến khám bệnh và nhập viện tại bệnh viện đã tăng so với thời gian trước. Cụ thể, từ ngày 5 đến 11-10, bệnh viện tiếp nhận 23.725 bệnh nhi đến khám vì mắc các bệnh đường hô hấp và có 696 ca nhập viện điều trị.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn – trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 – cho hay số bệnh nhi mắc bệnh đường hô hấp đang điều trị tại khoa tăng gấp đôi so với vài tháng trước. Ông cho rằng đây là điều bình thường, nằm trong dự tính vì bệnh hô hấp đang trong giai đoạn đỉnh dịch. Dự báo bệnh sẽ tiếp tục tăng và giảm dần cho đến cuối tháng 11.
Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Minh Nguyệt (Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), năm nay, về dịch tễ có một số điểm khác biệt, như trẻ đang hòa nhập lại hoàn toàn sau thời gian dài giãn cách, nhiều trẻ từng mắc bệnh lý COVID-19 có ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và phản ứng viêm… có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp, dễ ho, khò khè kéo dài hơn.
Phụ huynh cần làm gì?
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Phong, phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến những trẻ có bệnh nền, bệnh bẩm sinh (bại não, di chứng não, tim bẩm sinh…) vì hệ miễn dịch kém, dễ bị virus tấn công trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi. Những bệnh nhi này thường có diễn tiến nhanh, khó lường, nặng nề.
Các biện pháp phòng ngừa bệnh hô hấp ở trẻ em gồm:
– Cho trẻ uống nhiều nước, ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường rau xanh và hoa quả để tăng sức đề kháng.
– Tiêm chủng đầy đủ.
– Đảm bảo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, thông khí tốt, tránh bụi bẩn, khói thuốc
– Giữ vệ sinh cho trẻ, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
Bên cạnh đó, phụ huynh cần cho trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa sớm khi có các triệu chứng đường hô hấp như ho, sổ mũi, sốt… Bác sĩ sẽ tư vấn cho cha mẹ cách theo dõi, tránh bệnh diễn tiến nhanh, nặng.
Trường hợp trẻ có 1 trong các triệu chứng nặng toàn thân như sốt cao liên tục khó hạ, co giật, bỏ ăn bỏ bú, khó thở hoặc các triệu chứng đường hô hấp nặng hơn (ho, khò khè…), phụ huynh cần cho trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị