Trẻ khuyết tật học trực tuyến: Cô trò cùng vất vả gian nan

Dạy học online cho học sinh hòa nhập khiến các thầy cô vất vả hơn gấp nhiều lần do các em thiếu tập trung.

Theo Cô Lưu Thị Thu Hồng – Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Bình Minh (Đông Anh, Hà Nội) – cho biết: Dạy và học trực tuyến vẫn được nhà trường triển khai theo đúng kế hoạch đã đăng ký với phòng GD&ĐT. Năm học 2021 – 2022,  trường có 91 học sinh chia làm 8 lớp. Trong đó, có 1 lớp 1 Khiếm thính (KT), 1 lớp 2 Khuyết tật trí tuệ (KTTT), 1 lớp 3 KT,  1 lớp 4 KTTT và 1 lớp 5 KT.

Học sinh của nhà trường là KTTT (Down, tự kỉ, tăng động, chậm phát triển trí tuệ…), KT, khuyết tật vận động, có nhiều em còn bị đa tật nên rất khó khăn trong nhận thức. Do đó, khi chuyển từ học trực tiếp sang online, thầy cô gặp phải không ít khó khăn.

Cũng theo cô Hồng, học sinh của trường không được học tin học nên khi học trực tuyến cần phụ huynh ngồi cạnh hỗ trợ. Với các em KT, khi giáo viên giảng kết hợp ngôn ngữ kí hiệu qua màn hình máy tính, điện thoại sẽ khó nhìn, các em hay mất tập trung, không chú ý.

Đa phần cha mẹ học sinh cũng trình độ dân trí thấp, hoàn cảnh khó khăn. Có nhà không có điện thoại thông minh hay máy vi tính hoặc khả năng sử dụng hạn chế. Một số gia đình không có mạng Internet, bố mẹ không bình thường nên rất khó khăn trong việc hướng dẫn con học bài ở nhà. Bằng nhiều biện pháp hỗ trợ khác nhau, chỉ có khoảng 50% số học sinh của trường tham gia học trực tuyến.

Gắn bó với ngôi trường Chuyên biệt Bình Minh nhiều năm nay từ vai trò Tổng phụ trách Đội đến giáo viên chủ nhiệm, cô Hoàng Thị Liên thấu hiểu hơn ai hết những gian nan của nghề khi dạy trẻ khuyết tật. Năm nay, cô Liên dạy chủ nhiệm lớp 1 với 13 em đều KTTT. Đối tượng học sinh cũng đa dạng, có em bị Down hoặc không nói được dù nhận biết được nên cô giáo phải thực sự kiên trì.

“Cô giáo phải tinh tế khi ứng xử vì học trò xuất phát từ những hoàn cảnh khác nhau. Có học sinh đã mất cả cha lẫn mẹ và đang sống với ông bà; có em lại là con của mẹ đơn thân mà mẹ cũng bị thiểu năng trí tuệ; cũng có trường hợp cả bố lẫn mẹ đều thiểu năng và không biết chữ nên gần như không thể hỗ trợ con trong việc học trực tuyến.

Một số phụ huynh đi làm tối muộn về mới hỗ trợ con làm bài tập đến nửa đêm mới chụp bài gửi cho cô. Với lớp tôi, các em vẫn đang được học số, học đếm, kỹ năng tự phục vụ như đánh răng, rửa mặt cùng một số môn văn hóa và kỹ năng sống khác. Học sinh khiếm thính được học thêm ngôn ngữ kí hiệu để phát triển giao tiếp. Dù gian nan nhưng cả cô và trò cùng cố gắng”, cô Liên chia sẻ.

Bênh cạnh đó Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tiếp nhận cả 3 đối tượng gồm học sinh bình thường, hòa nhập và đa tật. Riêng học sinh hòa nhập, khuyết tật là trên 200 em và được chia về các lớp khác nhau. Khi học online, mỗi đối tượng được thầy cô dạy theo cách riêng.

Cô Lê Thanh Hà – Hiệu trưởng nhà trường – thông tin: Với học sinh khuyết tật nặng và khả năng nhận thức kém, bên cạnh việc dạy các môn Toán, Tiếng Việt, nhà trường sẽ cho phụ huynh đăng ký chọn môn học như Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tiếng Anh. Dựa trên số lượng phụ huynh đăng ký, trường sẽ thành lập câu lạc bộ riêng để thầy trò cùng học qua ứng dụng Zoom.

Là giáo viên dạy lớp 2 tại Trường Tiểu học Bình Minh, ngoài thời khóa biểu học online chung, cô Hà Thị Thúy Hường dành ra hai buổi để kèm riêng cho các em hòa nhập. Mỗi tiết chỉ kéo dài từ 25 – 30 phút. Tuy nhiên, những em ở thể tăng động thì liên tục di chuyển, không thể ngồi liền một mạch trước màn hình máy tính/điện thoại để học.

Là đơn vị có khoảng 200 học sinh khiếm thị đang học trực tuyến, Hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng, Hà Nội) Phạm Thị Kim Nga thông tin: Nhà trường được thành phố và một số đơn vị hảo tâm tặng thiết bị mới để học sinh học trực tuyến. Trẻ khiếm thị của trường vẫn sử dụng được sách giáo khoa chữ nổi. Các thầy cô lên lớp dạy online theo lịch và hướng dẫn các em nghe, làm theo yêu cầu bài học ở mức độ nhất định. Sau này được đi học trực tiếp, nhà trường sẽ bổ sung những kiến thức bị thiếu hụt cho học sinh.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích