Trẻ khuyết tật: Cần được đối xử bảo trợ tốt hơn

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển cộng đồng Đàm Việt Hà cho biết, hiện nay trẻ em khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn và rào cản trong cuộc sống; sự an toàn cho trẻ khuyết tật còn rất ít thông tin và được hỗ trợ. Để giúp trẻ khuyết tật có cuộc sống tốt hơn, buổi tọa đàm nhằm lắng nghe những chia sẻ về các khó khăn, vướng mắc của các tổ chức xã hội, mạng lưới cha mẹ và cơ quan nhà nước về chăm sóc, nuôi dạy trẻ và khung pháp lý phòng, chống bạo lực đối với trẻ khuyết tật. Đồng thời, tăng cường sự tham gia của các bên trong phòng, chống bạo lực, phân biệt đối xử với trẻ khuyết tật trong gia đình, nhà trường và trên không gian mạng để trẻ khuyết tật có được môi trường hòa nhập bình đẳng, an toàn.

Các đại biểu đã cùng trao đổi, chia sẻ về các cập nhật khuyến nghị của Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc và dự kiến kế hoạch của Việt Nam thực hiện khuyến nghị liên quan đến trẻ khuyết tật; thực trạng, giải pháp, khung chính sách pháp lý về phòng, chống bạo lực, phân biệt đối xử với trẻ em khuyết tật trong gia đình, nhà trường và trên không gian mạng; khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ đối với trẻ khuyết tật…

Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam Đặng Văn Thanh cho biết, năm 1990 Việt Nam là quốc gia đầu tiên của châu Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, tiếp theo đó đã ban hành Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Năm 2022, Việt Nam đã có báo cáo về Quyền trẻ em cho Ủy ban Quyền trẻ em của Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sỹ) và được đánh giá rất cao về những nỗ lực triển khai Luật Trẻ em, các công ước quốc tế về quyền trẻ em, đem đến cuộc sống cho trẻ em ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện các luật về trẻ em, nhất là trẻ em khuyết tật vẫn còn nhiều khó khăn cần được khắc phục như việc phân biệt đối xử trong gia đình, lạm dụng trẻ em và các vấn đề trẻ em trên không gian mạng. Ông Đặng Văn Thanh cho rằng cần tiếp tục có những giải pháp để hỗ trợ thực hiện quyền trẻ em ngày một tốt hơn.

Để thực hiện tốt các quyền trẻ em trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Vũ Thị Kim Hoa cho rằng, các tỉnh, thành phố cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật liên quan đến thực hiện quyền trẻ em, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ trẻ khuyết tật; các chương trình, đề án về hỗ trợ người khuyết tật, trẻ em khuyết tật. Cùng với đó là tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình và toàn xã hội về hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận với các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục tại cộng đồng. Theo Phó Cục trưởng Cục trẻ em Vũ Thị Kim Hoa, cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, dịch vụ để hỗ trợ trẻ khuyết tật và có các kiến nghị sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hơn luật cho trẻ em.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia chia sẻ, một số cha mẹ trẻ em hay trẻ em khuyết tật không nhận ra được các hành vi bạo lực gia đình như mắng nhiếc, xúc phạm, bỏ mặc, không quan tâm, chăm sóc; một số người có tâm lý bao che, sợ hãi, không tố cáo hành vi bạo lực đối với trẻ em, trẻ em khuyết tật. Ngoài ra, việc buông lỏng quản lý trẻ em của các gia đình, cơ sở giáo dục; cho trẻ em tiếp cận sớm với internet và các loại hình thông tin dễ bị tác động, ảnh hưởng thông tin độc hại trên không gian mạng… là các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc trẻ em bị bạo hành, bạo lực gia đình.

Để bảo vệ trẻ khuyết tật, Tiến sỹ Nguyễn Thị Kim Hoa cho rằng, Luật Người khuyết tật năm 2010 còn chưa thể hiện rõ quan điểm phòng, chống bao lực đối với trẻ em khuyết tật, mà mới tập trung vào những chính sách tăng cường bảo đảm quyền trẻ em khuyết tật trong các lĩnh vực như giáo dục, bảo trợ xã hội. Bên cạnh đó, thiếu các trường thông tin thống kê cần thiết về tình hình bạo lực đối với trẻ em khuyết tật trong một số văn bản pháp luật về thống kê hiện hành, dẫn đến thiếu các thông tin chính thống cần được công bố về tình hình trẻ khuyết tật bị bạo lực…

Các đại biểu cũng đã đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện chính sách và tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực đối với trẻ khuyết tật như cần khẳng định rõ quan điểm, giải pháp đặc thù trong phòng, chống bạo lực đối với trẻ khuyết tật; nghiên cứu rà soát, bổ sung các văn bản pháp lý, tài liệu về hướng dẫn phòng, chống bạo lực học đường tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, tăng cường hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho trẻ em, cha mẹ trẻ, giáo viên và cộng đồng, đặc biệt là tăng cường huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội trong phòng, chống phân biệt đối xử với trẻ khuyết tật.

Nguồn: hoanhap.vn

Bạn cũng có thể thích