Trao giải cuộc thi viết “Sức khỏe học đường – Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước”
Dự buổi lễ có: Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; nhà báo Lưu Đình Phúc – Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông…
Gần 500 bài dự thi cuộc thi viết “Sức khỏe học đường – Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước”
Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước” được phát động vào ngày 16/4/2024. Thông qua Cuộc thi, Ban Tổ chức mong muốn tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối các chuyên gia, nhà giáo, nhà báo, phụ huynh, học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp có sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về sức khoẻ học đường; đồng thời kiến nghị, đề xuất giải pháp, góp một phần nhỏ thực hiện Chương trình Sức khoẻ học đường của Chính phủ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan trao Bằng chứng nhận cho tác giả có tác phẩm đạt giải Nhất của cuộc thi viết “Sức khỏe học đường – Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước”. (Ảnh: BTC) |
Phát biểu tại buổi lễ, nhà báo Tô Phán (Tổng Biên tập Tạp chí Công dân và Khuyến học, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi viết “Sức khỏe học đường – Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước”) cho biết, tính đến hết tháng 8/2024, Ban Tổ chức Cuộc thi đã nhận được gần 500 bài dự thi. Nhiều bài dự thi đưa ra các quan điểm bàn luận, làm rõ thêm khái niệm về “sức khỏe học đường”, chỉ ra thực trạng, đề xuất các các giải pháp, cách triển khai nhằm nâng cao hiệu quả của công tác chăm lo sức khỏe học đường.
Ban Tổ chức đánh giá cao các bài viết được đúc rút từ thực tiễn, nêu thực trạng ở đơn vị mình, những việc làm ý nghĩa mà các giáo viên, nhân viên trường học đang làm để cải thiện chất lượng bữa ăn cho học sinh, những phụ huynh tâm huyết với phương pháp giáo dục mới, các nhà giáo trăn trở cùng Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, bảo vệ học sinh, giảm thiểu bạo lực học đường, nhằm nâng cao sức khỏe tâm thần, sức khỏe thể chất cho thế hệ trẻ.
Có những vấn đề của “Sức khỏe học đường” diễn ra hằng ngày ở trường học, gia đình mà nhiều người không coi trọng, nhưng qua các bài dự thi, vấn đề đó được “soi” kỹ hơn, sâu hơn nên nhận thức của người đọc đã có sự thay đổi về tầm quan trọng của các vấn đề đó.
Nhà báo Tô Phán cho rằng, Cuộc thi đã góp phần vào việc nâng cao nhận thức của một bộ phận độc giả về sức khỏe học đường. Trên cơ sở đó chính các độc giả được tương tác, bàn luận với không khí trao đổi công bằng, tích cực cũng góp phần vào sự chuyển biến trong tư duy về vai trò của sức khỏe học đường của một bộ phận công dân.
Nhà báo Tô Phán phát biểu tổng kết cuộc thi viết “Sức khỏe học đường – Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước”. (Ảnh: BTC) |
Tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã chúc mừng các tác giả đã tham dự cuộc thi viết “Sức khỏe học đường – Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước”, đặc biệt là những tác giả đạt giải thưởng. “Sự quan tâm của tác giả đối với vấn đề sức khỏe học đường; sức khỏe của học sinh, sinh viên – thế hệ tương lai quyết định vận mệnh của đất nước đã thể hiện trách nhiệm rất cao của các tác giả đối với tương lai của đất nước sau này”, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan chia sẻ.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan nhận định, Cuộc thi đã đạt được những kết quả, mục tiêu đáng ghi nhận, đã thu hút được nhiều tác giả dự thi ở các địa phương. Cuộc thi được tổ chức bài bản, chấm thi công tâm, đúng thể lệ và đã chọn ra được những tác phẩm xuất sắc để trao giải… Đặc biệt, Cuộc thi đánh dấu sự trưởng thành của Tạp chí Công dân và Khuyến học.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong (Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo Chung khảo) nhận định, sau 4 tháng phát động, cuộc thi “Sức khỏe học đường – Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước” đã nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả cũng như nhận được nhiều bài dự thi chất lượng cao. Các bài dự thi không chỉ đề cập, bàn luận về sức khỏe thể chất mà còn đề cao sức khỏe tinh thần của học sinh, sinh viên.
Qua nhiều vòng đánh giá, từ hàng trăm bài dự thi, Ban Giám khảo đã chọn lọc được những tác phẩm có chiều sâu, có tính tổng kết về thực chất tình trạng sức khỏe học đường hết sức phức tạp hiện nay. Sức khỏe học đường là vấn đề lâu dài, cấp thiết cần sự chung tay của mỗi phụ huynh, mỗi gia đình cũng như cần sự chú tâm của các nhà quản lý, các cơ quan, đoàn thể. “Tôi mong rằng, sau cuộc thi, vấn đề này sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của mỗi cá nhân và cả cộng đồng”, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong bày tỏ.
Các đại biểu, lãnh đạo ban, ngành liên quan và Hội đồng Giám khảo cuộc thi viết “Sức khỏe học đường – Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước”. (Ảnh: BTC) |
Kết quả chung cuộc, Ban Tổ chức đã chọn ra được 21 tác phẩm có chất lượng tốt nhất vào vòng Chung khảo. Hội đồng Chung khảo đã trải qua quá trình làm việc công tâm, chất lượng để lựa chọn ra 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 5 giải Khuyến khích. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao Giải bài viết được nhiều người đọc nhất và Giải tập thể có nhiều bài dự thi nhất
Phát động cuộc thi viết “Gia đình học tập”
Cũng tại buổi lễ, Tạp chí Công dân và Khuyến học đã phát động cuộc thi viết “Gia đình học tập”. Chia sẻ về Cuộc thi, nhà báo Lưu Đình Phúc (Cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, cuộc thi viết về chủ đề gia đình học tập là cuộc thi có ý nghĩa tôn vinh những giá trị tốt đẹp của gia đình và sự phát triển của văn hóa học tập trong mỗi gia đình Việt Nam để xây dựng xã hội học tập, làm nền tảng phát triển đất nước, bứt phá vươn lên trong kỷ nguyên vươn mình. Gia đình là tế bào của xã hội và là khởi nguồn cho tình yêu thương, sự sẻ chia, hình thành giá trị nhân cách đầu tiên của mỗi con người.
Theo nhà báo Lưu Đình Phúc, trong kỷ nguyên số, sự phát triển của gia đình và văn hóa học tập không chỉ dừng lại ở trường học mà còn lan tỏa, phát huy trong chính mỗi gia đình. Một gia đình học tập không chỉ là nơi từng thành viên trong gia đình ham học, biết học và chia sẻ kiến thức mà còn là nơi tạo dựng nên những nền tảng vững chắc cho sự phát triển của các thế hệ trong tương lai.
Cuộc thi viết “Gia đình học tập” do Tạp chí Công dân Khuyến học tổ chức là cơ hội quý báu để các thành viên trong gia đình cùng nhau nhìn lại và chia sẻ những câu chuyện cảm động về tấm gương sáng vì sự phấn đấu và thành công trong học tập.
Đánh giá cao sáng kiến tổ chức Cuộc thi của Tạp chí Công dân và Khuyến học, nhà báo Lưu Đình Phúc nhận định, Tạp chí Công dân và Khuyến học đã bám sát tôn chỉ mục đích, đi đúng hướng và tin rằng Tạp chí sẽ có bước phát triển vững chắc trong thời gian tới để làm tốt nhiệm vụ thúc đẩy xã hội học tập.
Nguồn: Báo lao động thủ đô