Tranh sơn mài và tranh thư pháp: Tiếng vọng của thời gian
Đứng trước hai loại tranh này, con người như được trở lại trạng thái tự nhiên, khiến cuộc sống vật chất trở nên đơn giản hơn và quan trọng mỗi chúng ta có điều kiện cảm nhận được tiếng vọng sâu thẳm của thời gian.
Một bức thư pháp của Hưng Trần |
Thông qua những tác phẩm tranh sơn mài và tranh thư pháp mà họa sĩ Hưng Trần thể hiện đều đạt được các tiêu chí đặc biệt, biến sắc màu vật liệu tự nhiên như hóa đá, ngọc, hổ phách… trở nên tươi sáng và trong veo đến thẳm sâu. Mỗi tác phẩm đều được truyền tải bằng chính năng lượng nội lực, trí tuệ bản thân, không bị ràng buộc bởi nét bút nào cụ thể mà chỉ cảm bằng đôi tay và khối óc tài hoa.
Tranh sơn mài là loại tranh sử dụng các vật liệu truyền thống trong kỹ thuật sơn mài như: sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại sơn son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai, vỏ trứng… để vẽ trên nền vóc màu đen. Nếu như tranh sơn mài truyền thống giới hạn bởi các màu nền đen, đỏ sen, nâu cánh gián và các họa tiết vàng, bạc, vỏ trứng… thì sơn mài hiện đại phong phú hơn, đa dạng hơn về màu sắc và chất liệu.
Tranh sơn mài được chế tác bằng kỹ thuật có tính cổ truyền qua các công đoạn như: chuẩn bị cốt – vóc; vẽ nhiều lớp; phủ dày; mài vẽ; đánh bóng hoàn thiện hoặc sơn quang bằng những nguyên vật liệu có tính chất truyền thống như: vàng lá, bạc lá, vỏ trai, vỏ xà cừ, màu son và đặc biệt là sơn ta – một loại sơn truyền thống. Vẽ tranh sơn mài có những nguyên tắc đặc trưng và khác biệt như: muốn lớp sơn vừa vẽ nhanh khô thì phải ủ trong nơi kín gió và có độ ẩm cao. Muốn nhìn thấy tranh lại phải mài mòn đi mới thấy hình. Cái quý của tranh sơn mài cũng là ở đó. Để cảm nhận sâu sắc được một bức tranh sơn mài phải mất một, hai tháng, có khi cả năm trời.
Giáo sư Hà Tôn Vinh và bà Thu Huyền bên bức tranh sơn mài độc đáo của họa sĩ Hưng Trần |
Còn với dòng tranh thư pháp là một lối diễn tấu tự nhiên hay môn nghệ thuật biểu lộ tâm ý của con người thông qua ngôn ngữ viết. Giá trị của tranh thư pháp không chỉ nằm ở những nét chữ tài hoa, bay bổng, bố cục hài hòa mà còn ở ý nghĩa nhân văn sâu sắc của những câu chữ ấy. Không giống những dòng tranh khác với nhiều chi tiết và màu sắc, tranh thư pháp mang vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, chứa đựng nhiều triết lý văn hóa truyền thống nhưng cũng rất trang trọng; mang đến cho người xem cảm giác thư thái, bình yên trong tâm hồn. Để tạo nên một bức tranh thư pháp đẹp, nghệ thuật, quan trọng nhất là ở bút pháp của người nghệ sĩ, kết hợp với khối óc sáng tạo. Tùy đặc điểm từng loại như tranh thư pháp chữ đơn hay tranh thư pháp kết hợp thư – họa, người nghệ sĩ có cách bố cục để bức tranh hài hòa, ấn tượng nhất. Sự kết hợp giữa sơn mài và thư pháp tạo cho người xem cảm giác hoài cổ.
Thu Huyền, một nhà sưu tầm đồ xưa và thiết kế sắp đặt không gian tranh nghệ thuật là người đặc biệt yêu thích dòng tranh sơn mài và tranh thư pháp. “Mỗi dòng tranh mang cho tôi một cảm xúc riêng. Cái thú vị của tranh sơn mài là khi mài, bạn vừa phải chú ý cho vừa đủ độ, vừa cảm nhận được màu sơn lộng lẫy và từng tầng lớp của bức tranh. Cái thú vị của tranh thư pháp lại nằm trong công phu cầm chiếc bút lông tạo nét thanh nét đậm. Hai dòng tranh này mang đậm nét Á Đông. Đó là nét đẹp cổ truyền mà gia đình tôi muốn truyền tải và bảo tồn, nhất là giá trị phi vật thể của chữ tượng hình Hán nôm đang dần mai một”, Thu Huyền cho hay.
Được biết, nhà sưu tầm đồ xưa Thu Huyền cùng ông xã là nhà thư pháp, người sáng tác tranh sơn mài, bút danh Hưng Trần luôn đau đáu với việc truyền tải và bảo tồn nét đẹp cổ truyền của dân tộc qua những tác phẩm của mình.
Với tâm huyết nghệ thuật, Thu Huyền cùng ông xã mong muốn phát triển mạnh mẽ hai dòng tranh này để giới thiệu với bạn bè trong nước cũng như quốc tế thêm hiểu về văn hóa truyền thống Việt Nam. Hiện Thu Huyền cũng đang chuẩn bị ra mắt bộ tranh sơn mài chủ đề Thiên nhiên để truyền tải thông điệp bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường.
Nguồn: Báo lao động thủ đô