Tránh ‘bẫy’ gian lận thương mại quốc tế

Nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp Việt xuất khẩu bị đối tác nước ngoài đưa vào “bẫy” lừa đảo thương mại do việc tiếp cận còn chủ quan, soạn thảo hợp đồng sơ hở và thiếu cam kết chặt chẽ. Do đó, các chuyên gia cho rằng khi giao dịch quốc tế, doanh nghiệp phải thật “nhạy cảm” trước những thay đổi và tình huống mới phát sinh, nhất là pháp lý.

Gần đây, Thương vụ Việt Nam tại nhiều thị trường nước ngoài liên tục cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam cần cẩn trọng để tránh bị gian lận thương mại quốc tế. Cụ thể, từ cuối năm 2023 đến nay, số doanh nghiệp Việt Nam gặp phải tình trạng gian lận, lừa đảo nhiều hơn với những thủ đoạn tinh vi hơn và không ít doanh nghiệp đã bị lừa vài chục nghìn USD, thậm chí lên đến hàng triệu USD.

Cảnh báo gian lận thương mại quốc tế và khuyến nghị cho doanh nghiệp
Tránh ‘bẫy’ gian lận thương mại quốc tế

Điều đáng nói là hầu hết các vụ việc sau khi phát hiện bị gian lận thương mại, lừa đảo, đa số doanh nghiệp Việt Nam mới đề nghị Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại các nước hỗ trợ, tìm doanh nghiệp lừa đảo để đòi lại số hàng hóa, tiền đã mất. Tuy nhiên, việc tìm lại được hàng hóa hay tiền doanh nghiệp đã bị lừa rất khó khăn và tốn kém.

Đơn cử, tháng 4/2024, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) đã phát đi cảnh báo về nghi vấn có dấu hiệu lừa đảo liên quan đến lô hàng nhập khẩu từ thị trường Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam đã ký 3 hợp đồng mua 1.000 tấn nhựa PET với đối tác UAE với trị giá 665.500 USD. Thế nhưng, sau khi nhận đặt cọc 526.257 USD, đối tác UAE đã tiến hành giao 25 container hàng cho doanh nghiệp Việt Nam với trọng lượng hàng thực tế trong mỗi container chỉ bằng 15-20% so với hóa đơn chứng từ.

Tương tự, câu chuyện đối tác cung ứng điều thô ở Tây Phi trong các tháng gần đây có biểu hiện “lật kèo” là chỉ cung ứng 50% sản lượng điều thô theo hợp đồng thu mua hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng, lấy hàng bán cho người mua khác với giá cao hơn trong lúc giá cả tăng vọt.

Theo các chuyên gia thương mại, số lượng vụ việc ngày một tăng thêm và diễn ra ở mọi thị trường từ châu Phi, Trung Đông, Ấn Độ đến các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Hà Lan, Italy…. Đó cũng là một bài học để doanh nghiệp Việt cần phát triển thêm cơ chế quản lý rủi ro cũng như không nên mạo hiểm trước rủi ro lớn trong giao thương.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan chia sẻ: Các đối tượng lừa đảo thường lập một trang web giả mạo với thông tin bịa đặt hoàn toàn hoặc lập một trang web giả danh các công ty xuất nhập khẩu hoặc công ty cung cấp dịch vụ cho thuê bồn chứa xăng dầu có thật, với đầu mối liên hệ thường là số điện thoại di động hoặc số điện thoại dùng internet (số của sim 4G).

Lợi dụng tâm lý Hà Lan là một nước phát triển, hệ thống luật pháp chặt chẽ, các công ty làm ăn đảm bảo uy tín, một số doanh nghiệp khi thấy hợp đồng có điều khoản hấp dẫn nên đã tiến hành gấp sợ mất cơ hội nên không kiểm tra kỹ thông tin về đối tác. Hơn nữa, khi doanh nghiệp có ý định xác minh tư cách pháp nhân, họ cung cấp thông tin qua sao chép dữ liệu giấy phép đăng ký kinh doanh trích xuất từ cơ quan có thẩm quyền hoặc cho phép doanh nghiệp tiến hành xác minh trực tiếp bởi bên thứ ba độc lập nhưng thực tế lại không thể xác minh vì không có thật.

Bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng đã mở ra nhiều cơ hội giao thương cho doanh nghiệp Việt, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro khác nhau trong thương mại quốc tế. Điển hình là vụ việc xuất khẩu 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italy hay nông sản sang Trung Đông đã từng xảy ra. 

Chính vì vậy, Bộ Công Thương và Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã liên tục cảnh báo nhưng vẫn có một số vụ việc đáng tiếc. Điều này một phần do tâm lý chủ quan, phần nữa từ hiểu biết trong giao dịch thương mại. Hay có trường hợp đã nắm được thông tin nhưng thực tế những phát sinh xảy ra ngày càng phức tạp và đa dạng mà doanh nghiệp không lường trước được.

Theo bà Nguyễn Cẩm Trang, việc tìm kiếm đối tác tin cậy là quan trọng nên doanh nghiệp cần tìm hiểu, xác minh đối tác và cần yêu cầu doanh nghiệp trung gian cung cấp thông tin cụ thể về đối tác; tìm hiểu hình thức bảo hiểm, công cụ phái sinh cho hàng hoá để giảm bớt thiệt hại.

Ông Châu Văn Bắc- Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chỉ rõ, nhiều năm qua, tranh chấp liên quan đến ngoại thương, mua bán hàng hóa quốc tế luôn dẫn đầu về số lượng các vụ tranh chấp được yêu cầu giải quyết tại VIAC và nhiều trường hợp trong số đó, doanh nghiệp Việt là bên chịu bất lợi.

Qua những vụ việc tranh chấp thương mại với đối tác nước ngoài, ông Châu Văn Bắc khuyến cáo doanh nghiệp cần xem xét kỹ với hợp đồng giá trị lớn, đối tác tìm kiếm qua mạng. Ngoài ra, trước khi ký kết hợp đồng, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin về đối tác, liên hệ các Thương vụ Việt Nam ở nước sở tại hoặc kiêm nhiệm để được hỗ trợ thêm thông tin về đối tác. Mặt khác, doanh nghiệp nên chú ý điều khoản về chế tài trong hợp đồng ký kết, tính đến rủi ro có thể phát sinh tranh chấp trong quá trình thực hiện giao dịch.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, ông Hoàng Minh Chiến- Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay: Bộ Công Thương đã phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng, bộ, ban, ngành liên quan tới cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp cho doanh nghiệp thông tin, kinh nghiệm trong giao dịch thương mại quốc tế.

Tới đây, Bộ Công Thương sẽ triển khai hoạt động liên quan đến đào tạo, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại quốc tế. Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng giao cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cung cấp, cập nhật thông tin về tình hình thị trường cũng như khuyến cáo doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Thương vụ cũng sẽ là cầu nối giúp doanh nghiệp xác minh thông tin liên quan đến đối tác, bạn hàng mà doanh nghiệp đang tiến hành giao dịch quốc tế.

Theo TTXVN

Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu

Bạn cũng có thể thích