Trang trại trồng rong biển: Được lợi nhiều hơn hại
Trang trại trồng rong biển: Được lợi nhiều hơn hại
Trồng rong biển không đòi hỏi đất canh tác, nước ngọt hoặc phân bón hóa học và có thể đem lại giá trị kinh tế cao. Hơn thế, rong biển có tiềm năng lớn trong giải quyết suy dinh dưỡng, thiếu đói và làm chậm biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu do giáo sư Patrick Webb tại Đại học Tufts (Mỹ) và nhiều cộng sự thực hiện được đăng trên tạp chí Global Food Security vào tháng 6 vừa qua. Nghiên cứu này đánh giá nuôi trồng rong biển là giải pháp thay thế bền vững hơn cho chăn nuôi gia súc. Ông Patrick Webb cho biết sản xuất và bán rong biển có thể tăng thu nhập cho nông dân ở các nước thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt là ở các vùng ven biển châu Phi và Đông Nam Á.
Theo các nhà nghiên cứu, trồng rong biển không cần đất, nước ngọt hoặc phân bón hóa học và có thể mang lại lợi nhuận đặc biệt khi nhu cầu về các sản phẩm rong biển giàu dinh dưỡng tăng trên khắp thế giới. Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), với mức giá 0,5 USD/kg rong biển khô, người nông dân có thể thu về 60 USD/tuần nếu trồng khoảng 320 dây rong biển.
Ngoài ra, rong biển còn là thành phần tiềm năng hữu ích trong sản xuất nhựa sinh học, nhiên liệu sinh học, bê tông…
Theo một nghiên cứu do các nhà khoa học Đại học Queensland (Australia) thực hiện, trồng rong biển là ngành non trẻ trên toàn cầu nhưng có thể phát triển để chiếm 10% khẩu phần ăn của con người vào năm 2050 trong khi chỉ cần 0,03% bề mặt biển để trồng. Điều này có thể giúp tiết kiệm 110 triệu ha đất đang được sử dụng để trồng lương thực. Diện tích này thậm chí gấp đôi diện tích của Pháp.
Các tác giả kết luận: “Dù chỉ sử dụng một phần nhỏ trong diện tích phù hợp rộng 650 triệu ha của đại dương, thì việc trồng rong biển để làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu cũng có thể mang lại lợi ích sâu sắc đối với sử dụng đất, giảm khí thải, sử dụng nước và phân bón”.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Queensland, một trong những lợi ích đặc biệt của trồng rong biển là khai thác và sử dụng giống Asparagopsis đỏ làm thức ăn bổ sung cho gia súc. Điều này được chứng minh giảm đáng kể lượng khí thải methane từ bò. Nghiên cứu cho rằng đến năm 2050, việc sử dụng Asparagopsis đỏ có thể loại bỏ 2,6 tỷ tấn CO2 mỗi năm – tương đương với lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hiện tại của Ấn Độ.
Ông Scott Spillias tại Đại học Queensland nói: “Về cơ bản, đây chỉ là ăn nhiều rau hơn. Nếu chúng ta trồng rong biển, điều tốt nhất nên làm là để mọi người ăn nó hơn là cho gia súc ăn, nhưng điều đó sẽ cần một số thay đổi lớn về văn hóa”.
Phương pháp nuôi trồng dễ dàng và thân thiện môi trường
Rong biển, vốn được coi thân thiện với cả người nông dân và môi trường, đã được trồng ở các vùng của châu Á trong nhiều thế kỷ bằng cách sử dụng các kỹ thuật khá đơn giản. Để bắt đầu, người nông dân buộc sợi dây dài vào rễ của rong biển và để chúng hấp thụ chất dinh dưỡng từ nước. Sáu đến tám tuần sau, họ thu hoạch rong biển bằng tay và phơi khô dưới ánh nắng Mặt Trời. Ngoài việc tương đối dễ trồng, rong biển có lượng phát thải carbon rất nhỏ và thậm chí có thể giúp giảm mức carbon của đại dương.
Giá trị xuất khẩu chính của rong biển sẽ là chiết xuất của nó dưới dạng thành phần. Trong khi các quốc gia có thu nhập trung bình cao đã sản xuất và xuất khẩu rong biển số lượng lớn với cơ sở hạ tầng cần thiết để xử lý, thử nghiệm và điều chỉnh một cách hiệu quả sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng, thì hầu hết các nước thu nhập thấp lại chưa sở hữu cơ sở hạ tầng này. Tính đến năm 2019, châu Á vẫn chiếm 97% sản lượng rong biển toàn cầu. Ngành này đã phát triển mạnh ở Indonesia. Indonesia hiện là nước xuất khẩu chính của hai loài rong biển có thể chiết xuất carrageenan, một chất làm đặc được sử dụng trong sữa hạt, kem đánh răng…
“Có nhiều loại rong biển khác nhau và tất cả chúng đều lại cần môi trường khác nhau để phát triển”, ông Webb cho biết. Theo ông, để việc nuôi trồng rong biển mở rộng, các chính phủ phải thực hiện nghiêm túc và đưa ra quy định về an toàn thực phẩm cũng như một môi trường tổng thể để điều đó có thể xảy ra. Đầu tư trong nước và quốc tế cũng sẽ là chìa khóa. Ông cho rằng nuôi trồng rong biển có thể là “mỏ vàng” đối với nhiều quốc gia.
Những trở ngại trong nuôi trồng
Giáo sư Webb đánh giá: “Chúng tôi không biết khi nào ngành này bắt đầu hứng chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, nhưng tiềm năng có vẻ tốt. Trồng rong biển sẽ không đẩy nhanh những tác động tiêu cực đó. Trong khi đó, việc chặt cây và nuôi thêm nhiều gia súc chắc chắn sẽ dẫn đến các tác động tiêu cực này”.
Nghiên cứu của Đại học Tufts còn đề cập rằng trồng rong biển giúp ích cho môi trường nhưng biến đổi khí hậu có thể tạo ra những rào cản đối với việc trồng thêm rong biển. Theo nhóm nghiên cứu, nước biển ngày càng nhiễm acid, điều này không lý tưởng để phát triển rong biển khỏe mạnh và có thể ăn được.
Dịch bệnh cũng là một vấn đề đáng lo ngại. Theo Đại học Liên hợp quốc (Nhật Bản) và Hiệp hội Khoa học Hàng hải Scotland, một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có tên ice-ice đã làm cho rong biển ở Philippines bị trắng và còi cọc một cách đáng kể. Chúng khiến nông dân thất thu 268.000 tấn rong biển trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2013. Không rõ nguồn lây nhiễm đến từ đâu và lý do nó bùng phát.
Các tác giả của nghiên cứu Đại học Queensland thừa nhận rằng việc canh tác rong biển có thể mang đến tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với sinh vật biển và điều này cần được cân bằng với lợi ích của ngành.
Trong một số trường hợp, các loài rong biển đã trở thành loài xâm lấn khi mọc ngoài phạm vi tự nhiên, làm rạn san hô phát triển quá mức và làm mất cân bằng hệ sinh thái địa phương. Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) ủng hộ sản xuất các loài rong biển địa phương ở bất cứ nơi nào có hoạt động canh tác khi việc trồng rong biển mở rộng trên toàn thế giới.
Ngoài ra, các trang trại rong biển có thể làm giảm lượng ánh sáng chiếu tới đáy biển bên dưới chúng và gây khó khăn cho các sinh vật khác quang hợp. Để một trang trại nhận được giấy phép, nó cần phải nằm cách xa thảm cỏ biển và các địa điểm có động vật có vú sống như khu vực của hải cẩu. Mỗi trang trại đều cần trải qua đánh giá của công chúng và chính phủ để đảm bảo rằng các hệ sinh thái xung quanh sẽ không bị tổn hại.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Tufts cho biết nếu những trở ngại đó được giải quyết thì cơ hội nuôi trồng rong biển là vô tận.
Hải Đăng (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị