Trạng thái “bình thường mới”, mẹ bầu làm gì để an toàn với Covid-19?
Trạng thái “bình thường mới”, mẹ bầu làm gì để an toàn với Covid-19?
BSCKI Lê Thị Kim Ngân cho biết, mặc dù đã bước sang “trạng thái bình thường mới” nhưng mẹ bầu phải tuyệt đối tránh Covid-19 để giữ sức khỏe tốt nhất cho mẹ và thai nhi.
Việc phòng lây nhiễm cho mẹ bầu đặc biệt phải luôn chú trọng.
Chú trọng các biện pháp phòng lây nhiễm Covid-19 cho mẹ bầu
Dịch bệnh còn kéo dài, TP.HCM và nhiều địa phương đã chuyển sang “bình thường mới”, “sống chung với virus”… nên việc phòng lây nhiễm vẫn luôn đặc biệt được chú trọng.
Bên cạnh việc thực hiện các biện pháp dự phòng nhiễm Covid-19 như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách và hạn chế tiếp xúc với người khác… với phụ nữ mang thai, theo Bộ Y tế khuyến cáo, các biện pháp dự phòng nhiễm SARS CoV-2, bao gồm: tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong thai kỳ (thai ≥ 13 tuần) hoặc trong giai đoạn hậu sản, kể cả khi nuôi con bằng sữa mẹ theo quy định hiện hành.
Riêng phụ nữ mang thai đang ở trong vùng bị phong tỏa do dịch Covid-19: Giảm số lần thăm khám trực tiếp, giảm thời lượng của mỗi lần khám thai, nên tăng cường thăm khám qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa.
BS.CKI Lê Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Sản – Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Chia sẻ với Gia đình Việt Nam, BS.CKI Lê Thị Kim Ngân, Trưởng khoa Sản – Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết: “Hệ thống miễn dịch của phụ nữ mang thai dễ bị tổn thương hơn người bình thường khi nhiễm phải virus đường hô hấp. Phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19, dễ chuyển biến nặng hơn so với phụ nữ không mang thai, tăng nguy cơ cao phải thở máy, chạy ECMO, dùng kháng sinh liều cao… thậm chí có thể đe dọa tính mạng; thai nhi có nguy cơ sinh non, nguy cơ lây nhiễm…, rất tốn kém chi phí điều trị”.
Khi nhiễm SARS-CoV-2 thể nhẹ, người nhiễm thường tự hồi phục sau khoảng 7-10 ngày. Khoảng 80% người nhiễm không có triệu chứng. Gần 20% người nhiễm diễn biến nặng, trong đó 5% cần điều trị hồi sức tích cực do thở nhanh, khó thở, tím tái, hội chứng suy hô hấp cấp, suy chức năng thận, cơ tim…
Theo Bộ Y tế, các dữ liệu hiện nay cho thấy nguy cơ mắc bệnh thể nặng ở phụ nữ mang thai nhiễm Covid-19 có triệu chứng cao hơn so với nhóm phụ nữ không mang thai. Vì vậy, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, các hiệp hội Sản Phụ khoa thế giới cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo nên tiêm ngừa vaccine Covid-19 cho các phụ nữ chưa mang thai, có ý định mang thai, phụ nữ mang thai và cho con bú.
Theo các chuyên gia y tế, thai phụ cần chủ động tuân thủ các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ mình trước SARS-CoV-2. Bên cạnh việc chích vắc xin ngừa Covid-19, mẹ bầu cần thực hiện quy tắc 5K, duy trì lối sống khoa học, có chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng và tuân thủ lịch khám thai các mốc quan trọng suốt thai kỳ.
Tuy nhiên, nếu chẳng may bị nhiễm Covid-19 dù đã thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch, thai phụ không nên hoảng sợ mà cần tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ bác sĩ chỉ định.
Thai phụ cần làm gì khi triệu chứng Covid-19 trở nặng?
Nếu xuất hiện triệu chứng sốt 38 độ C trở lên, ho, mất khứu giác, khó thở, tức ngực… thai phụ cần báo ngay cho cơ sở y tế địa phương hoặc liên lạc với bác sĩ khám thai cho mình hoặc gọi điện thoại đường dây nóng (115) để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.
Điều quan trọng là các thai phụ cần giữ tâm lý bình tĩnh, không hoảng loạn bởi nhiều bệnh cũng gây ra các triệu chứng tương tự, ví dụ như viêm họng, cúm…
Trường hợp nào thai phụ cần nhập viện điều trị Covid-19?
Khi thai phụ có những biểu hiện dưới đây, người thân cần chuyển ngay thai phụ đến các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời:
– Dấu hiệu nặng: sốt trên 38,5 độ C, thở nhanh hơn 20 lần/phút, SpO2 (nồng độ bão hòa oxy trong máu) dưới 95%, đau tức ngực.
– Dấu hiệu cấp cứu: tím môi hoặc đầu chi, thở nhanh hơn 30 lần/phút, SpO2 dưới 93%, lừ đừ, li bì khó đánh thức.
Mẹ mắc COVID-19 em bé có được bú sữa mẹ không?
Nguy cơ lây truyền SARS-CoV-2 trong sữa mẹ thấp hoặc không có.
Nếu mẹ mắc Covid-19 nhưng vẫn muốn cho con bú sữa mẹ, nên vắt sữa rồi nhờ người nhà cho trẻ ăn. Sản phụ cần rửa tay sạch sẽ trước khi vắt sữa cũng như trước khi chạm tay vào các bộ phận của máy hút sữa và bình sữa.
Nếu mẹ mắc Covid-19 chọn cho con bú trực tiếp, phải đeo khẩu trang và rửa tay trước mỗi lần cho bé ăn.
Em bé sinh ra từ mẹ mắc COVID-19 sức khỏe ảnh hưởng ra sao?
Theo bác sĩ Lê Thị Kim Ngân, chưa có bằng chứng về khả năng lây truyền SARS-CoV-2 từ mẹ sang con trong quá trình mang thai. Bên cạnh đó, cũng chưa có bằng chứng về mẹ nhiễm SARS-CoV-2 trong thời gian mang thai có thể gây ra tình trạng dị tật bẩm sinh hoặc sảy thai.
Nghiên cứu tổng hợp từ báo cáo khoa học ở nhiều quốc gia với gần 7.500 trẻ em trong đó có 25 trẻ sơ sinh nhiễm SARS-CoV-2 cho thấy đa phần trẻ có triệu chứng vừa và nhẹ, khoảng 2% trẻ cần nhập vào đơn vị hồi sức tích cực.
Trẻ sơ sinh nhiễm SARS-CoV-2 được báo cáo có thể có các triệu chứng sốt, li bì, ho, thở nhanh, thở gắng sức, ngưng thở, nôn, tiêu chảy và bú kém. Không có tử vong nào được báo cáo là do Covid-19.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.