Tràn lan các bài thuốc dân gian ngừa COVID-19 trên mạng, cần cẩn trọng khi dùng

Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn cho biết chưa có loại thuốc nào được chính thức khẳng định phòng ngừa COVID-19 ngoài trừ vaccine thì ở một số nơi lại xuất hiện thông tin truyền miệng về các loại thuốc đặc hiệu, coi như “thần dược” có thể phòng ngừa COVID-19. Không ít bà con đặc biệt quan tâm và sẵn sàng chi tiền để mua các loại thuốc này đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.

Cụ thể, mới đây, Bệnh viện Hoàn Mỹ Cửu Long đã cấp cứu cho bệnh nhân N.T.L.T. (53 tuổi, ở TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) bị nhiễm độc hôn mê sâu khi uống thuốc dân gian ngừa COVID-19.

Theo lời người nhà bà T., bà được người quen chia sẻ bài thuốc dân gian “ngừa COVID-19” bao gồm hỗn hợp chưng cất các nguyên liệu: nước dừa, đường phèn, gừng, sả và một số cây lá không rõ loại. Sau khi uống hỗn hợp này, bà T. bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy nhiều lần.

 Sử dụng bài thuốc dân gian ngăn ngừa COVID-19 trên mạng tiềm ẩn nhiều rủi ro

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhiễm độc từ đường tiêu hóa do uống thuốc dân gian không rõ loại, biến chứng suy đa cơ quan. Dưới sự nỗ lực của các bác sĩ, 72 giờ sau nhập viện, người bệnh tỉnh táo, cai máy thở thành công và được rút ống nội khí quản.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Kiến An (Hải Phòng), cho biết khi chăm sóc qua điện thoại cho các bệnh nhân COVID-19 ở TP.HCM, đã từng liên hệ với một vài bệnh nhân trong tình trạng mệt mỏi, buồn nôn, vàng da, vàng mắt, đau bụng nhiều…

Người nhà bệnh nhân cho biết cha mẹ họ là F0, sốt nên đã tự dùng thuốc paracetamol theo như hướng dẫn trên mạng. Hằng ngày người bệnh uống 4-6 viên loại 500mg, uống liên tục 14 ngày. Trong khi đó, liều paracetamol tối đa khuyến cáo với người lớn chỉ là 4 viên loại 500mg mỗi ngày, và không được uống quá 10 ngày.

Trước đó, Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai cũng đã phát đi cảnh báo về tình trạng trên mạng xã hội xuất hiện các hướng dẫn không rõ nguồn gốc về cách tự chữa bệnh COVID-19 tại nhà.

Theo ghi nhận, trên các trang mạng xã hội tại các hội nhóm nhiều bài thuốc dân gian được chia sẻ rầm rộ có tác dụng chữa COVID-19 như: đào giun đất nấu cháo, đun nước uống chanh, gừng sả uống liên tục hoặc uống 10 quả dừa tươi mỗi ngày…, thậm chí có thể sử dụng pháp luân công để chữa COVID-19.

Gần đây nhất, Bộ Y tế đã phát đi cảnh báo về việc dùng giun đất chữa COVID-19 của một số cá nhân, trang mạng xã hội. Bộ Y tế chưa cấp phép và chưa nhận được bất kỳ báo cáo khoa học nào chứng minh hiệu quả hỗ trợ điều trị COVID-19 của địa long (giun đất).

PGS Nguyễn Thị Bay, nguyên trưởng bộ môn y học cổ truyền Đại học Y dược TP.HCM cho biết, hiện nay chưa có bài thuốc dân gian nào được khẳng định có thể chữa khỏi COVID-19. Các bài thuốc cổ phương hay các bài thuốc dân gian cấu tạo theo đối chứng lập phương, chỉ nhằm phối hợp với thuốc và các phương pháp y học hiện đại, hoặc hỗ trợ giảm nhẹ diễn biến, giảm nhẹ biến chứng, không tiến triển thành nặng…

Việc sử dụng thuốc y học cổ truyền để điều trị COVID-19 nên được chỉ định bởi các bác sĩ có chuyên môn trên cơ sở khám và chẩn đoán y học cổ truyền cá thể hóa. Sau khi được chỉ định và có toa thuốc y học cổ truyền, người dân cần sắc và sử dụng đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc nhằm đạt hiệu quả điều trị.

TS Bay cho biết thêm, trước khi sử dụng bất kỳ phương thuốc, dược liệu nào nên tham vấn với bác sĩ nhằm tránh sử dụng không đúng cách, tránh các tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc y học cổ truyền.

Việc sử dụng phương pháp không dùng thuốc y học cổ truyền có thể được thực hiện tại nhà như: phương pháp dưỡng sinh, các bài tập thở có thể giúp giảm stress cho những người mắc COVID-19 được điều trị tại nhà, phương pháp thực dưỡng có thể thực hiện thông qua hướng dẫn trực tuyến với các bác sĩ y học cổ truyền, phương pháp châm cứu, cần người có chuyên môn (nếu có thể) để thực hiện.

Bác sĩ Huỳnh Liên Đoàn, phó chủ tịch Hội Y học TP.HCM cũng khẳng định, đến nay chưa có bất cứ bằng chứng khoa học nào có thể chứng minh được các bài thuốc đông y có tác dụng chữa COVID-19. Các bài thuốc đông y hiện nay chỉ có tác dụng hỗ trợ, giảm nhẹ các triệu chứng do COVID-19 gây ra.

“Đông y hỗ trợ điều trị về triệu chứng, cơ địa mỗi người có triệu chứng khác nhau nên sẽ có những bài thuốc khác nhau. Do vậy chúng ta phải cụ thể hóa với từng người một, khi hỗ trợ điều trị bằng đông y người dân phải được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa. Muốn điều trị phải dựa vào thầy thuốc chuyên khoa”, bác sĩ Đoàn nhấn mạnh.

Khi người dân sử dụng các bài thuốc dân gian chưa được kiểm chứng, sẽ tác động trực tiếp đến các cơ quan nội tạng, không có tác dụng trị bệnh, thậm chí là tạo ra bệnh mới.

Một bài thuốc đông y nếu muốn được lưu hành rộng rãi phải trải qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Các tổn thương chính mà COVID-19 gây ra cho người bệnh là tổn thương phổi, do vậy các bài tập dưỡng sinh trong đông y rất quan trọng.

Bác sĩ Đoàn khuyến cáo khi hỗ trợ điều trị COVID-19 bằng đông y người dân nên liên hệ với các cơ sở y tế uy tín, hoặc khi nắm các bài thuốc phòng ngừa COVID-19 người dân không được tự ý làm theo, mà phải tham khảo các bác sĩ chuyên khoa về đông y.

Đối với thuốc y học cổ truyền, WHO cũng nhấn mạng, hoan nghênh phát triển tác dụng mới của các bài thuốc cổ truyền và phát triển các liệu pháp mới chống COVID-19 tuy nhiên cần được kiểm tra hiệu quả và tính an toàn thông qua thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên.

An Dương (T/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích