Trạm Tấu (Yên Bái): Khai mạc Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông 2024
(Xây dựng) – Sáng 18/02, tại sân vận động trung tâm huyện Trạm Tấu (Yên Bái), Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông 2024 đã được khai mạc. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm, thể hiện đặc sắc các giá trị văn hóa dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.
Bà con nhân dân các dân tộc tham dự lễ hội. |
Đối với đồng bào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu, Lễ hội Gầu Tào là một trong những lễ hội tiêu biểu thể hiện truyền thống văn hóa của dân tộc Mông có từ rất lâu đời, được đồng bào dân tộc Mông duy trì và gìn giữ, lễ hội thường được diễn ra vào dịp hết năm cũ, sang đầu năm mới với quan niệm của sự sinh sôi, nảy nở. Lễ hội Gầu Tào để đồng bào dân tộc Mông tạ ơn thần núi, thần đất, thần trời, thần suối đã cho đồng bào dân tộc Mông nói riêng và nhân dân các dân tộc huyện Trạm Tấu nói chung một năm nhiều tốt lành, mùa màng bội thu và cầu xin thần linh tiếp tục phù hộ độ trì cho đồng bào một năm mới nhiều may mắn. Lễ hội Gầu Tào cũng đã trở thành nơi đến vui xuân, thu hút đông đảo bà con nhân dân các dân tộc trong vùng và du khách gần xa đến vui xuân, đồng thời cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu những phong tục tập quán tốt đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông, là dịp để mọi người gặp gỡ giao lưu, vui chơi, hát các điệu hát giao duyên và cùng nhau múa khèn, mời nhau uống chén rượu đầu xuân…
Nghi lễ đặc sắc và được chú ý nhất là lễ dựng cây nêu ở trung tâm nơi tổ chức lễ hội với nhiều ước nguyện. Cây nêu là biểu tượng chính, gắn liền với sự linh thiêng của lễ hội. Cây nêu được dựng năm nay là cây Tô hạp có dáng thẳng tắp, khỏe khoắn với chiều cao trên 17m được nghệ nhân Giàng A Su (87 tuổi) trực tiếp đi xem cây, chọn ngày, giờ để hạ đốn cây từ hôm trước và được trang trí sắc màu đẹp mắt, sừng sững vững chãi giữa khu vực trung tâm lễ hội, hướng về phía mặt trời mọc.
Nghệ nhân Giàng A Su thực hiện lễ cúng hội Gầu Tào. |
Mở đầu lễ hội là lễ cúng được thực hiện theo phong tục dân tộc Mông do nghệ nhân Giàng A Su thực hiện. Trong phần nghi lễ này, ngoài cây nêu, phần chuẩn bị lễ vật cúng theo truyền thống gồm: 1 con gà trống to, 1 chai đựng rượu bằng ống nứa, 4 chén đựng rượu bằng ống nứa, 12 bó hương, nước, giấy cúng và một số vật dụng khác, đội múa khèn phục vụ nghi lễ gồm 10 nghệ nhân khèn Mông điêu luyện của xã Bản Mù đã được luyện tập, chuẩn bị chu đáo.
Một số hoạt động tại lễ hội. |
Sau phần lễ là phần hội, gồm các tiết mục văn nghệ hát giao duyên, thi múa khèn và các môn thể thao truyền thống như: Kéo co, đẩy gậy, đánh quay, lẩy pao, các trò chơi dân gian của dân tộc Mông và thi giã bánh dày thu hút đông đảo nhân dân ở 10 xã vùng cao của huyện Trạm Tấu tham gia; người dân và du khách có sẽ được trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc của người Mông.
Ông Vũ Lê Trung Anh – Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết, Trạm Tấu là nơi hội tụ nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao với bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử, có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ như đỉnh Tà Chì Nhù cao 2.979m, đỉnh Tà Xùa cao 2.865m so với mực nước biển; có đồi thông Eo Gió, suối khoáng nóng với độ ấm trung bình từ 37- 40 độ vào bốn mùa, sẽ trở thành điểm đến, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Lễ hội Gầu Tào không chỉ đáp ứng nhu cầu tâm linh, mà còn nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, thông qua các hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc, của đồng bào Mông huyện Trạm Tấu nói riêng và các tỉnh vùng cao Tây Bắc nói chung.
Việc duy trì tổ chức lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông hàng năm với mong muốn trở thành sự kiện thường niên, là sản phẩm du lịch ngày càng khẳng định bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu, tiến tới đề xuất lễ hội Gầu Tào được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia cùng với nghệ thuật Khèn Mông và vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải đã được công nhận vào tháng 12/2023, nhằm thúc đẩy khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của huyện, tạo động lực cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Nguồn: Báo xây dựng