Trăm hộ dân ở phố ‘đắt nhất hành tinh’ thoát dự án treo 25 năm

Hàng trăm hộ dân ở tuyến đường Kim Liên – Xã Đàn vui mừng khi UBND TP Hà Nội quyết định dừng thực hiện dự án Khu di dân giải phóng mặt bằng Kim Liên – La Thành “treo” 25 năm.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành quyết định dừng thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở di dân giải phóng mặt bằng Kim Liên – La Thành (quận Đồng Đa). Dự án này có từ năm 1997, nhưng “treo” hơn 25 năm qua.

Trăm hộ dân ở phố 'đắt nhất hành tinh' thoát dự án treo 25 năm
Đường Xã Đàn được coi là đường “đắt nhất hành tinh”

Theo quyết định, UBND TP Hà Nội giao Sở TN&MT tham mưu chấm dứt thu hồi, giao đất tại các quyết định số 2177 ngày 1/6/1998, quyết định số 2755 ngày 9/6/2000 về việc giao 7.815m2 đất tại phường Phương Liên (quận Đống Đa) để đầu tư xây dựng Khu nhà ở di dân giải phóng mặt bằng Kim Liên – La Thành.

Sở Tài chính hướng dẫn UBND quận Đống Đa, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội về thủ tục quyết toán các chi phí liên quan đến công tác chuẩn bị đầu tư dự án.

Ngoài ra, UBND TP cũng giao quận Đống Đa xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân, chấm dứt tình trạng người dân sống “nhảy dù” trên đất thuộc diện thu hồi phục vụ dự án.

Từ năm 1997, dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở di dân giải phóng mặt bằng Kim Liên – La Thành được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Khi đó, có gần 100 hộ dân thuộc diện bị thu hồi đất. Sau chủ trương của TP, quận Đống Đa đã thành lập Hội đồng GPMB song không được các hộ gia đình trong phạm vi quy hoạch đồng thuận. Quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Theo kế hoạch, dự án gồm 5 khu nhà cao 5 tầng với 188 căn hộ. Khi tuyến đường Xã Đàn (được mệnh danh đắt nhất hành tinh về giá trị đầu tư/km) được hình thành, vị trí xây dựng dự án nằm sát mặt đường kéo dài từ đầu ngã tư Kim Liên – Giải Phóng đến Đình Kim Liên trở thành đất “kim cương”.

Tuy nhiên, 25 năm kể từ khi có quyết định phê duyệt, dự án vẫn chưa được triển khai thi công. Cũng từng đó thời gian, hàng trăm hộ dân phải sống trong cảnh “treo” nhiều quyền lợi, không được xây dựng, cải tạo công trình; không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng…, phải sinh sống trong các ngôi nhà xuống cấp.

Dù dự án đã “treo” suốt 20 năm, đến năm 2017, UBND TP giao UBND quận Đống Đa căn cứ thẩm quyền và quy định của pháp luật tiến hành gia hạn việc triển khai. Tuy nhiên, đây cũng là dự án mà người dân nhiều năm có đơn thư kiến nghị yêu cầu dừng thực hiện vì chậm tiến độ quá lâu, ảnh hưởng đến cuộc sống.

Trăm hộ dân ở phố 'đắt nhất hành tinh' thoát dự án treo 25 năm
Ông Nguyễn Thiện Hải (áo kẻ) vui mừng khi nhận thông báo của UBND TP Hà Nội dừng thực hiện dự án “treo”

Về phía chính quyền địa phương, trong các năm 2018 và 2020, quận Đống Đa đã có các văn bản báo cáo những khó khăn vướng mắc, đề nghị hướng dẫn quy trình gia hạn thực hiện dự án.

Đến tháng 8/2022, các Sở Kế hoạch & Đầu tư, Tài nguyên & Môi trường, Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc, Tài chính và UBND quận Đống Đa có văn bản đề xuất UBND TP dừng thực hiện dự án.

Người dân vui mừng thoát cảnh dự án “treo”

Quyết định dừng thực hiện dự án “treo” suốt 25 năm qua được hơn 300 hộ dân thuộc diện thu hồi đất đón nhận với tâm thế vui mừng.

Trong số những trường hợp chịu cảnh sống “treo”, gia đình bà Trần Thị Dung (số nhà 138 Xã Đàn) đã một thời gian dài sống trong căn nhà tạm bợ, nguy cơ đổ sụp bất cứ lúc nào vì xuống cấp. Do thuộc diện bị thu hồi đất, bà Dung không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không được sửa chữa nhà nên cả gia đình phải đi thuê chỗ ở.

Ông Nguyễn Thiện Hải (số nhà 140 Xã Đàn) cho biết, mấy chục năm qua, hàng trăm hộ dân sống trong cảnh bất an do những hệ lụy từ dự án “treo” này.

Trăm hộ dân ở phố 'đắt nhất hành tinh' thoát dự án treo 25 năm
Nhiều hộ dân sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

“25 năm dự án “treo”, cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc xây dựng, cải tạo chỗ ở không được cấp phép; không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hộ có nhu cầu sang nhượng phải “mua bán chui”. Thành thử, dù sống trên đất hợp pháp của cha ông nhưng cứ như ở trên đất “nhảy dù”, xây dựng, cải tạo chỗ ở dấm dúi như người vi phạm…”, ông Hải nói.

Ông Phạm Duy Hào, ở làng cổ Kim Liên cho biết: “Lịch sử của ngôi làng cổ gắn liền với đình làng Kim Liên”.

Trong lịch sử, rất nhiều lần, dân làng Kim Liên đã nhường đất để thực hiện các dự án, công trình công ích tại địa phương như làm hồ Bảy Mẫu; xây dựng Đại học Bách Khoa; nhường đất xây dựng nhà máy ô tô 3/2; khách sạn Kim Liên; khu tập thể Kim Liên, xây dựng đường Kim Liên – Xã Đàn…

“Đó là sự hy sinh, nhường đất của cha ông sinh sống tại làng cho Nhà nước. Bây giờ, phần diện tích còn lại chỉ còn một phần tỷ lệ rất nhỏ. Nguyện vọng của bà con là được giữ lại phần đất của cha ông để lại. Bà con rất vui mừng khi UBND TP quyết định dừng dự án “treo”. Hiện tại, người dân đang làm các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định”, ông Hào cho biết.

Nguồn: Báo xây dựng

Bạn cũng có thể thích