Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa: Năng suất, hiệu quả ra sao sau 1 thời gian hoạt động?
(Xây dựng) – Những năm qua, Thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho các hạng mục tiêu thoát nước. Trong đó, Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Đến nay, hạng mục xây dựng cụm công trình đầu mối trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đã hoàn thành, nhưng còn nhiều hạng mục khác vẫn dở dang khiến dòng chảy bị hạn chế.
Kênh La Khê (Hà Đông) vẫn đang ngổn ngang thời điểm hiện tại. |
Nhiều hạng mục thi công dang dở
Để giải bài toán ngập úng, Thành phố Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho các công trình tiêu thoát nước. Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía Tây thành phố Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) được UBND Thành phố Hà Nội phê duyệt dự án đầu tư tại Quyết định số 1834/QĐ-UBND ngày 23/2/2013; phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư tại Quyết định số 743/QĐ-UBND ngày 13/2/2019; phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư tại Quyết định số 2548/QĐ-UBND ngày 10/6/2021. Chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Đại diện Chủ đầu tư: Ban duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn). Đây là một trong các dự án trọng điểm của Thành phố. Trạm bơm được kỳ vọng sẽ hỗ trợ xóa các “điểm đen” ngập úng cho khu vực phía Tây Thủ đô.
Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa có tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng, xây dựng từ năm 2015 và hoàn thành năm 2020, được Thành phố Hà Nội bàn giao cho Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ quản lý.
Với 10 tổ máy, công suất 120m3/s, trạm có công suất thoát lũ lớn nhất Hà Nội, có nhiệm vụ tiêu nước cho 6.300 hecta các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông và huyện Hoài Đức; đồng thời hỗ trợ hạ mực nước sông Nhuệ để tiêu cho khu vực Tây Hà Nội.
Kênh nước La Khê nằm trong dự án đầu tư cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực Tây Hà Nội với mức đầu tư hơn 7.460 tỷ đồng, đi qua quận Hà Đông và huyện Hoài Đức. Trên địa bàn quận Hà Đông, kênh đi qua các phường Vạn Phúc, Yết Kiêu, Quang Trung, Hà Cầu, La Khê, Dương Nội và đi qua các xã Đông La, La Phù của huyện Hoài Đức.
Mặc dù vậy, vừa qua, Hà Nội trải qua nhiều trận mưa lớn, công trình “nghìn tỷ” này đã hoàn thành nhưng vẫn chưa hoạt động hiệu quả. Như trận mưa lớn ngày 29/5, chung cư Xuân Mai và khu đô thị Đô Nghĩa cách trạm bơm chỉ một km cũng bị nước bủa vây. Trong khi đó trạm bơm Yên Nghĩa chỉ hoạt động được 3/10 tổ bơm.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Báo điện tử Xây dựng tại dự án, khu vực kênh dẫn nước cho trạm bơm hiện vẫn đang ngổn ngang, thi công dang dở. Tại công trường xây dựng, hàng trăm mét đất bị đào xới nham nhở trong thời gian dài không được xử lý tạo thành các ụ đất cao. Mưa xuống, đất đá sạt tràn xuống lòng sông, chặn ngang dòng chảy khiến lượng nước lưu thông khó khăn.
Bên cạnh đó, xung quanh công trình, nhiều khu vực đã trở thành “điểm nóng” tập kết rác thải sinh hoạt, vật liệu xây dựng… trải dài và đổ tràn xuống sông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một số khu vực bờ kè, người dân đã lấn chiếm “dựng tạm” lều lán, quây tôn phục vụ mục đích kinh doanh, dịch vụ.
Một người dân sinh sống gần công trình cho biết: Trước tôi có thấy máy móc thi công múc đất, xới đất bảo là làm kè. Họ cũng làm được một thời gian, xong giờ lại chất đống để đấy, lâu rồi không thấy làm tiếp.
Đại diện Chủ đầu tư cho biết: Dự án chưa có mặt bằng để tiếp tục thi công, việc cứng hóa toàn bộ kênh La Khê dẫn nước đến trạm bơm không thể hoàn thành trong năm 2022. |
Vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng
Được biết, tính đến ngày 1/6/2022, Hội đồng bồi thường hỗ trợ & tái định cư quận Hà Đông đã thẩm tra phương án bồi thường hỗ trợ với diện tích 65.288,3m2 liên quan đến 519 tổ chức, hộ gia đình, số tiền 175,3 tỷ đồng; đã phê duyệt 52.563,1m2 liên quan đến 242 tổ chức, hộ gia đình, số tiền là 72,1 tỷ đồng; đã tổ chức chi trả 30.094,3m2 liên quan đến 149 tổ chức, hộ gia đình, số tiền là 29,9 tỷ đồng.
Hiện nay trên địa bàn quận còn lại diện tích 80.539,8m2 của 133/652 tổ chức và hộ gia đình (phải xác nhận nguồn gốc đất), xây dựng dự thảo phương án thẩm tra, thẩm định và phê duyệt. Phần diện tích này với quy mô tương đối lớn, trải dài trên địa bàn 06 phường (quận Hà Đông), nguồn gốc đất nhiều phức tạp do đó việc xác định nguồn gốc đất, xác định thời điểm phát sinh công trình, quyền sử dụng đất làm căn cứ lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư là hết sức khó khăn.
Bên cạnh đó, một số hộ dân có đất thu hồi cố tình không phối hợp kiểm đếm, UBND quận phải áp dụng biện pháp kiểm đếm bắt buộc và cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc.
Liên quan đến việc triển khai thực hiện các hạng mục Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, một cán bộ Ban duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội) cho biết: Việc cứng hóa kênh La Khê dẫn nước về bể hút sẽ không thể hoàn thành trước mùa mưa năm nay. Nước mưa không thể thoát theo hệ thống kênh La Khê về bể hút tại Trạm bơm tiêu nước Tây Hà Nội (trạm bơm Yên Nghĩa). Vì vậy, dù trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thiện xong, đủ điều kiện để vận hành phục vụ tiêu úng khi có mưa lớn, ngập úng xảy ra cho các quận, huyện: Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoài Đức… nhưng trên thực tế lại không có nước chảy về, không thể hoạt động hết công suất.
Hiện nay, do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc nên Sở không còn mặt bằng để tiếp tục triển khai dự án. Dự kiến, trong tuần sau, UBND quận Hà Đông sẽ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với 16 hộ chưa bàn giao mặt bằng dự án đường Ngô Quyền để bàn giao lại diện tích đất cho Ban duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn thi công thực hiện dự án.
Trước những vướng mắc còn tồn tại, đề nghị UBND Thành phố Hà Nội có những giải pháp kịp thời, cùng các Sở ngành, chính quyền địa phương đẩy nhanh hoàn thiện các hạng mục dự án, góp phần đưa công trình đi vào hoạt động được hiệu quả.
Nguồn: Báo xây dựng