Trải lòng của ông chủ Doanh nghiệp Sao Đà Lạt về hành trình đầu tư dự án
Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm đã hoàn thành về hạ tầng như đường giao thông, đường điện, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống thu gom rác thải năm 2012.
Hưởng ứng lời kêu gọi trên, Công ty cổ phần Sao Đà Lạt (công ty) thành lập ngày 07/09/2006 đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 42121000240 ngày 08/05/2008 cho dự án đầu tư và khai thác “Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Sao Đà Lạt” tại phân khu chức năng số 6-3, 6-4 thuộc khu du lịch Tuyền Lâm phường 4, TP. Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng. Nội dung chủ yếu của Giấy chứng nhận đầu tư như sau: Quy mô diện tích thực hiện dự án là 12,97 hecta; Các hạng mục công trình chủ yếu, gồm:
Hệ thống cơ sở hạ tầng: hệ thống đường giao thông đường bộ, sân bãi, hệ thống cấp điện, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Tôn tạo môi trường: vườn hoa, cây cảnh, cây xanh, tôn tạo cảnh quan.
Công trình kiến trúc chủ yếu: khối nhà trung tâm, khối nhà hàng, khối biệt thự cao cấp (90 căn), khu nhà vườn, khu nhà phục vụ, sân tenis, hồ bơi, cắm trại.
Mật độ xây dựng: diện tích xây dựng các công trình có mái che chiếm tỷ lệ 9,88%; diện tích xây dựng các công trình không có mái che chiếm tỷ lệ 14,08%. Số tầng các hạng mục xây dựng ≤ 2 tầng, riêng hạng mục nhà trung tâm ≤ 3 tầng ( kể cả tầng hầm).
Tiến độ thực hiện dự án: Từ 2008 đến 2012.
Năm 2008-2009, công ty đã hoàn thành các thủ tục về đầu tư, về thuê đất, về các thủ tục xây dựng hạ tầng. Nhưng thực tế lúc đó đường giao thông chưa được mở theo cam kết của tỉnh để vận chuyển vật tư thiết bị máy móc, vì vậy ngày 16/04/2008 UBND tỉnh có văn bản cho phép công ty được gia hạn thời gian khởi công cho tới khi có đường giao thông.
Đến năm 2012, Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm đã hoàn thành về hạ tầng như đường giao thông, đường điện, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống thu gom rác thải. Tuy nhiên hệ thống nước sạch sinh hoạt và hệ thống xử lý nước thải đến cuối năm 2024 vẫn chưa đầu tư xây dựng.
Sau khi Nhà nước đầu tư hạ tầng Hồ Tuyền Lâm, công ty đã thực hiện đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình theo giấy phép xây dựng và Giấy chứng nhận đầu tư như: đường giao thông nội bộ của dự án, trụ móng của các khối nhà biệt thự, 500m đường hầm điêu khắc, cảnh quan, bãi đỗ xe, bãi đỗ ô tô, vườn ươm,…
Ngày 19/06/2015, UBND tỉnh có văn bản đồng ý cho công ty được gia hạn tiến độ thực hiện dự án 24 tháng kể từ ngày ký văn bản (19/06/2015 – 19/06/2017), công ty đã tiếp tục hoàn thành một số công việc như: hoàn thiện một số khối nhà biệt thự đã xong phần thô, tiếp tục mở rộng và phát triển tiếp công trình đường hầm điêu khắc (khoảng 1.000m); tiếp tục đầu tư cảnh quan khu vực, bãi đậu xe, vườn ươm phù hợp với quy mô đón khách tham quan.
Nhưng, ngày 07/09/2016, UBND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định số 1968/QĐ-UBND về điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Tuyền Lâm. Theo đó, UBND tỉnh bắt buộc các nhà đầu tư phải điều chỉnh giảm quy mô mật độ xây dựng từ 10% có mái che xuống dưới 5% có mái che, điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến bài toán đầu tư kinh doanh của công ty; buộc công ty phải rà soát, lập lại quy hoạch 1/500 mới, phải cắt gọt để phù hợp với quy định mới.
Ngày 22/07/2016, căn cứ vào văn bản 191/TB-TTg của Thủ tướng Chính phủ có thể tạm gọi là “đóng cửa rừng” để rà soát về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng của các dự án.
Để tiếp tục thực hiện công việc của mình, công ty đã rà soát quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và đã trình Sở Xây dựng vào ngày 09/12/2016.
Trong quá trình xem xét, Sở Xây dựng đã có ban hành một số văn bản, như: Văn bản số 21/SXD-QHKT ngày 15/02/2017; Văn bản số 105/SXD-QHKT ngày 26/06/2017 về việc điều chỉnh tổng mặt bằng xây dựng của dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Sao Đà Lạt của Công ty Cổ phần Sao Đà Lạt. Việc điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết xây dựng dựa trên Quyết định số 1968/QĐ-UBND về việc điều chỉnh Khu du lịch Tuyền Lâm. Mặc dù đã trình UBND tỉnh Lâm Đồng từ năm 2017 đến năm 2019 vẫn không có ý kiến phê duyệt.
Ngày 27/10/2017, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 11460/VPCP-NN hướng dẫn việc đóng cửa rừng.
Đến ngày 28/02/2018, công ty được UBND tỉnh ra hạn lần 2 thêm 24 tháng kể từ ngày 19/06/2017 đến 19/06/2019.
Ngày 15/09/2018, công ty tiếp tục trình quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 tổng mặt bằng xây dựng dự án, Sở Xây dựng đã có văn bản thẩm định số 1739/TTr-SXD ngày 25/10/2018 trình UBND tỉnh phê duyệt.
Ngày 01/11/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản đề nghị rà soát lại dự án để đảm bảo phù hợp văn bản 11460/VPCP-NN ngày 27/10/2017 của Văn phòng Chính phủ. Tiếp theo, ngày 22/05/2019 Sở Xây dựng có văn bản đề nghị doanh nghiệp rà soát các công trình có tác động lên rừng (ví dụ như rừng tự nhiên cấm tác động; các biên bản kiểm kê rừng).
Tiếp theo là hoạt động của Thanh tra Chính phủ đối với các dự án trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, hoạt động này kéo dài tới ngày 12/06/2020 cho đến khi có kết luận 929/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ.
Ngày 23/02/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng mới ban hành văn bản số 1076/UBND-VX2 về việc đồng ý chủ trương cho công ty Cổ phần đầu tư Sao Đà Lạt được ra hạn thời gian để tiếp tục xây dựng dự án sau khi rà soát dự án đã khắc phục theo kết luận của Thanh tra Chính phủ với một số điều kiện.
Ngày 18/02/2021, công ty đã ký quỹ thực hiện dự án (với số tiền là 1,5 tỷ đồng)
Ngày 16/04/2021, công ty ký hợp đồng tư vấn kiểm kê tài nguyên rừng hiện tại theo văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh để tiến hành ra hạn thực hiện dự án.
Trong tình hình cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng, giai đoạn từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2021 là giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, tất cả phục vụ cho chống dịch.
Năm 2022, doanh nghiệp bắt đầu hoạt động, từng bước khôi phục nhân sự, các hoạt động kinh doanh, thực hiện kiểm kê rừng.
Ngày 10/07/2023, Sở Nông nghiệp tỉnh có văn bản số 1648/TĐ-SNN về việc thẩm định tài nguyên rừng hiện trạng của dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Sao Đà Lạt.
Ngày 19/12/2023, Công ty đã gửi hồ sơ xin ra hạn thời gian đưa đất vào sử dụng để ra hạn tiến độ đầu tư dự án theo chủ trương của UBND tỉnh, sau khi công ty đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính và các yêu cầu theo văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh.
Song, ngày 17/5/2024, UBND tỉnh lại có văn bản số 3925/UBND-VX2 về việc đề nghị rà soát việc trồng lấn đất thuê đối với khu vực 1 của di tích thắng cảnh quốc gia Hồ Tuyền Lâm.
Tiếp tục, ngày 12/07/2024, UBND tỉnh lại có văn bản số 5853/UBND-DC1 về điều kiện thẩm định hồ sơ gia hạn sử dụng đất của các dự án trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Ngày 15/10/2024, UBND thành phố Đà Lạt đã có văn bản ý kiến về ra hạn tiến độ sử dụng đất của công ty; trong văn bản UBND thành phố Đà Lạt đề nghị công ty khắc phục triệt để các vi phạm trật tự xây dựng thì UBND tỉnh mới tiếp tục gia hạn thực hiện dự án.
Ngày 12/11/2024, Sở Tài nguyên Môi trường đề nghị công ty thực hiện các nội dung trong ý kiến của UBND TP. Đà Lạt mới tiến hành đề nghị UBND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện dự án.
Trên đây, công ty mới chỉ liệt kê một số văn bản chính; kể từ tháng 5/2008, từ khi công ty được cấp giấy chứng nhận đầu tư đến nay là là 16 năm (tính tới tháng 11/2024) với một hành trình “đầy bi ai” với bao nhiêu công sức tiền của, với bao nhiêu sức lực, mồ hôi và nước mắt của nhà đầu tư, hiện dự án mới chỉ được làm xong một phần; dự án sẽ tiếp tục đắp chiếu nếu như quy hoạch chi tiết 1/500 tổng mặt bằng của dự án không được phê duyệt điều chỉnh.
Hiện nay dự án đã tiến hành xây dựng hoàn thiện hơn 1km đường hầm dưới dạng các bức tranh điêu khắc thể hiện quá trình hình thành và phát triển của thành phố Đà Lạt. Đây là một công trình mỹ thuật tạo một dấu ấn đặc biệt cho Đà Lạt và thu hút nhiều khách du lịch.
Tuy nhiên, hiện nay việc không gia hạn thực hiện dự án là do quá trình đầu tư xây dựng công ty đã xây dựng một số công trình không có giấy phép như quầy bán vé, quầy thuê đồ, quầy café, quầy lưu niệm, nhà vệ sinh…, đây là những công trình xây dựng dưới hình thức tạm để phục vụ cho khách du lịch trong khi mặt bằng chưa được điều chỉnh. Tuy nhiên thực hiện quyết định số 2796/QĐ-XPVPHC ngày 09/07/2019 công ty cổ phần Sao Đà Lạt đã chấp hành phá dỡ toàn bộ 43 công trình lớn nhỏ một cách triệt để.
Hiện tại còn 4 công trình xây dựng kiên cố dưới hình thức nhà biệt thự, với kiến trúc đặc thù của Đà Lạt, nhưng qua biên bản kiểm tra thì những công trình này đã có những sai phạm như việc sử dụng tầng áp mái, một số chi tiết bổ sung như ban công, thang máy, các chi tiết trang trí … UBND TP. Đà Lạt đã yêu cầu UBND phường 4 phải buộc chủ đầu tư phá dỡ hoặc cưỡng chế phá dỡ; sau khi thực hiện xong mới tiếp tục có văn bản đề nghị UBND tỉnh ra hạn thời gian thực hiện dự án.
Về 4 công trình này công ty cho rằng việc khảo sát, lập quy hoạch tổng mặt bằng 1/500 của dự án cũng như thiết kế kỹ thuật của 4 công trình trong điều kiện lúc đó chưa có hệ thống giao thông; mặt bằng hầu hết là cây bụi, độ dốc phức tạp vì vậy việc kiểm tra đo vẽ thực địa cũng như thiết kế công trình chưa chính xác, việc thiết kế chưa đảm bảo hài hòa với không gian kiến trúc xung quanh và điều kiện địa hình cụ thể. Nếu thực hiện phá dỡ những phần được ghi trong biên bản thì những công trình này sẽ trở nên “kì quặc” mất hết giá trị kiến trúc và thẩm mỹ.
Công ty đã kiến nghị với UBND thành phố song song với việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án. Nếu 4 công trình đang xây dựng phù hợp với kiến trúc cảnh quan, với quy hoạch thì công ty sẽ tiếp tục xin điều chỉnh giấy phép xây dựng (bởi công trình chưa hoàn thiện đưa vào sử dụng), nếu không phù hợp với quy hoạch công ty sẽ phá bỏ. Bởi vì theo quy định của pháp luật về xây dựng cũng cho phép nhà đầu tư được xin điều chỉnh giấy phép và điều chỉnh quy hoạch nhằm tạo ra một dự án đẹp và hiệu quả kinh tế nhưng chưa được UBND TP. Đà Lạt chấp nhận?
Theo thiển nghĩ, việc công ty đưa ra kiến nghị trên cần được UBND TP. Đà Lạt và các cấp, các ngành xem xét, bởi những kiến nghị đó là phù hợp với pháp luật và thực tiễn. Tại sao nhất thiết cứ phải phá dỡ một công trình có kiến trúc cảnh quan đẹp, không vi phạm pháp luật về đất đai, không có tranh chấp, có thể phù hợp với quy hoạch điều chỉnh trong tương lai? Việc phá dỡ sẽ gây lãng phí rất lớn cho nhà đầu tư, đó cũng là tiền của của đất nước…
Hành trình “trần ai” của dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Sao Đà Lạt không phải là một trường hợp đặc biệt, mà trong 1 thời gian dài trước đây cho đến nay đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn dự án không chỉ riêng Lâm Đồng mà nhiều địa phương khác cũng rơi vào tình trạng như trên. Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có những dự án do Chủ đầu tư yếu kém về năng lực tài chính phải thi công kéo dài nhiều năm, có nguyên nhân do thay đổi cơ chế chính sách nhưng không tính đến tính kế thừa của các quyết định trước đó; nhưng đa phần nguyên nhân chính vẫn là do sự trì chệ, quan liêu, máy móc, thiếu trách nhiệm của các cá nhân ở các cấp chính quyền, các cơ quan có trách nhiệm trong lĩnh vực mà mình phải giải quyết.
Lãng phí về tiền bạc có thể tính bằng con số, nhưng lãng phí về thời gian, công sức như trên thì khó mà tính được bởi nó làm mất đi lòng tin, ý chí, nhiệt huyết của các nhà đầu tư đang mong muốn bỏ vốn và công sức để xây dựng quê hương đất nước.
Trong những bài viết, bài nói chuyện của Tổng Bí Thư Tô Lâm thời gian gần đây luôn quan tâm về vấn đề chống lãng phí, thất thoát, ông cho rằng công cuộc chống lãng phí, thất thoát không khác gì công cuộc phòng chống tham nhũng. Những ý kiến chỉ đạo của ông sẽ khơi thông cho đất nước một nguồn sinh lực mới để xây dựng và phát triển, đặc biệt trong việc lựa chọn cán bộ giữ các trọng trách, cương vị người đứng đầu trong các cơ quan, chính quyền nhà nước./.
Nguồn: hoanhap.vn