Trại giam Gia Trung: Tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề giúp phạm nhân hoàn lương
Ngày 12/5, Trung tá Nguyễn Văn Quỳnh – Đội trưởng đội Kế hoạch Hướng nghiệp, dạy nghề và Xây dựng (Trại giam Gia Trung) cho biết, trong 5 năm (2018-2023) đơn vị liên kết với Trường Cao đẳng Gia Lai mở hơn 10 lớp đào tạo nghề, cấp chứng chỉ cho khoảng 455 phạm nhân.
Căn cứ tình hình thực tế của Trại giam và phạm nhân, các nghề được đào tạo như: xây dựng; trồng, chăm sóc, khai thác mủ cao su; gia công ghế nhựa; gạch xây dựng; nghề điện; hàn xì; sửa xe máy… Bên cạnh tổ chức học nghề, cấp chứng chỉ, các phạm nhân còn truyền lại nghề cho nhau, người trước chỉ dạy, hỗ trợ cho người đi sau.
Công tác hướng nghiệp, dạy nghề nhằm giúp các phạm nhân hiểu giá trị của lao động, biết quý trọng những thành quả mình làm ra để nỗ lực phấn đấu hoàn lương sau khi chấp hành xong án phạt tù, có cơ hội tìm việc làm, ổn định cuộc sống, tránh sa chân vào con đường tội lỗi…
Thực tế tại Trại giam Gia Trung, thông qua công tác tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề, hầu hết phạm nhân đã xây dựng, nêu cao được ý thức tự giác trong lao động, yêu lao động, trân trọng và sử dụng tiết kiệm thành quả lao động, yên tâm tư tưởng học tập, cải tạo, tích cực học hỏi tiếp thu kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao tay nghề.
Để việc học nghề có hiệu quả, cán bộ trại giam còn mời lao động có tay nghề ở các công ty cao su trên địa bàn về truyền nghề trực tiếp cho phạm nhân. Việc truyền nghề này không được cấp chứng chỉ nhưng lại giúp ích cho phạm nhân có kinh nghiệm, hiểu biết để thực hành thành thạo.
Kết quả từ hướng nghiệp, dạy nghề, sản phẩm được làm ra của các phạm nhân được đưa vào quỹ đào tạo nghề, khi phạm nhân hết thời hạn chấp hành án, ra ngoài xã hội sẽ có thêm đồng vốn từ thành quả lao động để sớm ổn định cuộc sống.
Trại giam Gia Trung cũng lập danh sách giới thiệu với một số công ty, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, tạo điều kiện cho phạm nhân mãn hạn chấp hành án tìm kiếm được việc làm thuận lợi, đúng chuyên môn.
“Cái khó của đào tạo nghề cho phạm nhân là trăn trở, suy nghĩ nên định hướng cho họ học nghề gì phù hợp với thị trường, nhu cầu xã hội, kể cả địa phương nơi phạm nhân cư trú trước đó.
Nếu phạm nhân từng cư trú ở địa bàn Gia Lai, Kon Tum thì nên đào tạo nghề cạo mủ cao su để tìm việc làm ở các nông trường. Phạm nhân có hộ khẩu tại các tỉnh thành ven biển miền Trung hoặc ở miền Nam thì nên đào tạo cho họ nghề xây dựng, nghề điện nước… để sau này họ ra dễ kiếm việc làm”, trung tá Quỳnh chia sẻ thêm.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu