TPHCM: Quảng trường trước chợ Bến Thành sắp được tái lập
Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đề xuất thực hiện tái lập quảng trường trước chợ Bến Thành, đồng thời thiết kế lại cảnh quan phù hợp, điều chỉnh một số hướng tuyến giao thông.
Sở Quy hoạch Kiến trúc (QHKT) TPHCM vừa có báo cáo gửi UBND thành phố về công tác thiết kế tổng thể khu vực trước chợ Bến Thành (quận 1) và giao lộ Nguyễn Huệ – Lê Lợi. Đơn vị này đã đưa ra 3 phương án cho việc tái lập mặt bằng khu vực trước chợ Bến Thành khi việc thi công nhà ga metro tại nơi này sắp hoàn tất.
Những phương án được Sở QHKT đưa ra là tái lập vòng xoay theo hiện trạng cũ; thực hiện tái lập theo định hướng quy hoạch của đồ án 930ha; tái lập theo quy hoạch 930ha (quảng trường trước chợ Bến Thành) đồng thời thiết kế lại cảnh quan phù hợp, điều chỉnh một số hướng tuyến giao thông.
Toàn cảnh chợ Bến Thành trước khi mặt bằng phía trước được hoàn trả (Ảnh: Hải Long). |
Trong số 3 phương án này, Sở QHKT TPHCM đánh giá phương án cuối cùng là phù hợp, khả thi và từng bước thực thi theo đồ án quy hoạch được duyệt. Đồng thời, phương án cũng giữ được không gian văn hóa đặc trưng của thành phố. Quá trình triển khai phương án 3 sẽ được chia làm 2 giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên, các đơn vị sẽ từng bước hình thành quảng trường trước chợ Bến Thành. Khu vực trên sẽ được trồng mảng xanh tại đảo giao thông, dọc trục trung tâm.
Mặt bằng khu vực quảng trường sẽ được dùng để phục vụ các nhu cầu cần thiết. Về giải pháp giao thông, Sở QHKT TPHCM nêu phương án sẽ giữ một phần hướng tuyến từ đường Trần Hưng Đạo vào đường Lê Lợi để đáp ứng nhu cầu kết nối.
Trong giai đoạn 2, các đơn vị sẽ hoàn thiện theo định hướng quy hoạch, kết nối quảng trường trước chợ Bến Thành và các dự án khác trong khu vực (Công viên 23 tháng 9, đường Lê Lợi…).
Đối với phương án thiết kế giao thông tại giao lộ đường Nguyễn Huệ – Lê Lợi, Sở QHKT TPHCM cho biết, theo định hướng, khu lõi trung tâm thương mại, trục đường Nguyễn Huệ, đường Lê Lợi, vòng xoay Quách Thị Trang, Công viên 23/9 sẽ trở thành không gian cho người đi bộ, thương mại sầm uất.
Do đó, khi tái lập nút giao thông tại đây, các đơn vị cần tính toán phương án hạ trụ ngăn xe; di dời khối đá, bồn bông tại đài phun nước; làm lề đá cao 15cm xung quanh vòng xoay phun nước để người dân có thể tiếp cận. Đồng thời, mặt đường đá cần giữ nguyên hiện trạng.
Vị trí giao lộ đường Nguyễn Huệ – Lê Lợi hiện nay là đài phun nước nghệ thuật, được nghiên cứu xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa giao thông công cộng và hình thành không gian đi bộ. Kể từ khi đài phun nước được khánh thành từ năm 2019 đến nay, khu vực này đã trở thành điểm đến của người dân, du khách tới TPHCM.
Nguồn: Báo xây dựng