TP Thủ Dầu Một: Xứng tầm đô thị trọng điểm phía Nam
(TN&MT) – TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đang tập trung nguồn lực vào các công trình giao thông trọng điểm, kết nối khu vực đô thị hiện hữu với khu vực đô thị mới, tạo sự phát triển đồng bộ và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
TP Thủ Dầu Một có sông Sài Gòn chảy qua ở phía Tây, thuận lợi phát triển du lịch sinh thái ven sông. Ảnh: Cen Sài Gòn. |
Nhìn lại năm 2021, dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, TP Thủ Dầu Một đã có sự bứt phá và giữ vững vị thế là đơn vị “đầu tàu” của tỉnh Bình Dương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với tỷ trọng thương mại dịch vụ chiếm 60,89%, công nghiệp chiếm 39,07% và nông nghiệp chỉ còn 0,04%.
Không chỉ vậy, uớc tổng thu ngân sách của TP Thủ Dầu Một năm 2021 đạt hơn 10.500 tỷ đồng, trong đó, thu ngân sách nhà nước theo chỉ tiêu dự toán của tỉnh và nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố giao đạt tỷ lệ 96%. Ước thu ngân sách nội địa do thành phố quản lý đạt 95%.
Nhiệm kỳ 2020 – 2025, TP Thủ Dầu Một phấn đấu huy động các nguồn lực tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển đô thị theo hướng đô thị tăng trưởng xanh, thông minh, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng các tiêu chí đô thị loại I, phát triển kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị hiện hữu với phát triển đô thị mới.
Trong năm 2022, TP Thủ Dầu Một tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, tập trung triển khai các chương trình đầu tư phát triển đô thị, tạo môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh trên tinh thần chủ động linh hoạt…
Theo lãnh đạo TP Thủ Dầu Một, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ huy động tối đa các nguồn lực, bố trí nguồn kinh phí để đầu tư một số công trình giao thông trọng điểm, những công trình kết nối nhằm tạo giá trị mới cho các khu vực định hướng phát triển đô thị. Theo đó, Thành phố kêu gọi, thu hút đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước nhằm xây dựng và phát triển đô thị khu vực phía Tây – Tây Bắc và khu vực ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn TP Thủ Dầu Một.
Đối với những khu vực định hướng xây dựng và phát triển đô thị, trung tâm thương mại – dịch vụ dọc trục đại lộ Bình Dương, thành phố chủ động quy hoạch, thu hút đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó nguồn vốn ngoài ngân sách là chủ yếu. Thành phố sẽ xây dựng, thực hiện các dự án bảo vệ môi trường, xây dựng công viên, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm từng bước phát triển “Đô thị xanh – thông minh” như wifi công cộng, hệ thống điều khiển chiếu sáng công cộng…
Theo quy hoạch vùng Đông Nam bộ, TP Thủ Dầu Một là trung tâm dịch vụ lớn phục vụ phát triển công nghiệp và đóng vai trò là cực phát triển trong hệ thống đô thị của vùng. Vì vậy “phát triển dịch vụ chất lượng cao” được Thành ủy TP Thủ Dầu Một xác định là một trong những chương trình hành động lớn để thực hiện đạt hiệu quả cao Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần XI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đã đề ra.
Thế mạnh hiện nay của TP Thủ Dầu Một là nằm trên đường hướng tâm đối ngoại của vùng TP.HCM – đường cao tốc TP.HCM – TP Thủ Dầu Một – Chơn Thành (Bình Phước). TP Thủ Dầu Một đóng vai trò là cực tăng trưởng phía bắc và là đô thị vệ tinh độc lập của đô thị hạt nhân vùng. Đây cũng là nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển, cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hơn 25km, cách sân bay quốc tế Long Thành khoảng 50km, cách cảng Cát Lái khoảng 20km…
Bên cạnh đó, hệ thống cảng sông cũng được địa phương quan tâm thu hút đầu tư, tiêu biểu là cảng Bà Lụa tại phường Phú Thọ (TP Thủ Dầu Một). Cảng được quy hoạch thành cảng hành khách có quy mô đến 10ha để phát triển du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn. Định hướng mở rộng cảng Bà Lụa giúp nâng tầm diện mạo của phường Phú Thọ nói riêng và khu vực lân cận nói chung.
Với những mục tiêu, kế hoạch của Thành phố và nhiều lợi thế vốn có, TP Thủ Dầu Một sẽ còn vươn mình phát triển mạnh mẽ hơn nữa, xứng tầm là một trong những địa phương thuovùng kinh tế trọng điểm phía Nam.