TP.Nha hướng đến xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp
TP.Nha hướng đến xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp
Theo dõi MTĐT trên
Thời gian tới đây, UBND thành phố Nha Trang tập trung giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong bảo vệ môi trường, hướng đến xây dựng thành phố xanh, sạch, đẹp.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Nha Trang, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang đang tổ chức thu gom, vận chuyển rác thải tại 27 xã, phường theo hợp đồng đặt hàng với Ban Quản lý Dịch vụ công ích thành phố. Đại diện Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Nha Trang cho biết, không chỉ thu gom rác trên đất liền, công ty còn có cả những tổ, đội công nhân chuyên gom rác ở các đảo trong vịnh Nha Trang. Toàn bộ rác thải được công nhân thu gom, vận chuyển đến bãi chôn lấp Lương Hòa (xã Vĩnh Lương) và xử lý theo công nghệ chôn lấp hiện đại, hợp vệ sinh. Từ thời điểm vận hành từ tháng 3-2014 đến hết năm 2022, bãi chôn lấp Lương Hòa đã xử lý được 1,59 triệu tấn rác; năm 2022, tỷ lệ thu gom rác thải trên địa bàn thành phố đạt 98,7%.
Từ tháng 11-2014, Dự án Vệ sinh môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án Nha Trang (Dự án CCSEP) với tổng nguồn vốn đầu tư 93,6 triệu USD, được đưa vào sử dụng. Dự án đã hoàn thành đầu tư 30km cống cấp 1, 3km cống cấp 2, 35km cống cấp 3, thay thế 2.400 hố ga ngăn mùi, 6 trạm bơm nước thải, 10 giếng tách nước thải và Nhà máy xử lý nước thải phía nam thành phố. Những năm qua, Nhà máy xử lý nước thải phía nam thành phố đã tiếp nhận và xử lý nước thải thu gom trong phạm vi 14 phường khu vực trung tâm và phía nam thành phố với công suất 40.000m3/ngày đêm.
Dự án CCSEP tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 (từ năm 2018 đến 2023). Theo đó, dự án sẽ đầu tư hơn 43,5km cống cấp 3 và hơn 500 hố ga ngăn mùi, phục vụ việc thu gom nước thải từ các hộ gia đình, doanh nghiệp tại 12 phường trung tâm và phía nam cùng 4 phường phía bắc thành phố; hơn 6,5km cống thoát nước mưa; hơn 11km cống thu gom nước thải; 5 trạm bơm nước thải và 2 hồ điều hòa diện tích 10.000m2. Cùng với đó, dự án sẽ đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải phía bắc với công suất ước tính 15.000m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng vào cuối năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác BVMT, trong đó vẫn còn khu vực ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, như: Các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; chế biến nước mắm, thủy sản. Theo báo cáo của UBND thành phố, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 38 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Hầu hết các cơ sở này đều nằm xen trong khu dân cư, không phù hợp với quy hoạch, tập trung nhiều nhất tại phường Phước Hải, xã Vĩnh Ngọc, xã Vĩnh Thái. Các cơ sở giết mổ chủ yếu thủ công, không có quy trình khép kín, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Ngày 29-7-2022, UBND tỉnh đã có kế hoạch xây dựng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh. Theo đó, dự kiến Khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có vị trí tại thôn Đông (xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh), diện tích 19,58ha. Đây sẽ là khu giết mổ chung của thành phố, huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh. Dự án đang ở bước kêu gọi và chấp thuận chủ trương đầu tư.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố còn 47 cơ sở sản xuất nước mắm, chế biến thủy sản trong khu dân cư, tập trung nhiều nhất ở phường Phước Long, phường Vĩnh Trường và một số ít tại xã Phước Đồng. Thành phố đã có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất nước mắm trên địa bàn thành phố vào khu tập trung. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm được vị trí phù hợp. UBND tỉnh đang giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục khảo sát, đánh giá những địa điểm có khả năng bố trí tập trung sản xuất nước mắm để di dời các cơ sở sản xuất nước mắm trong thành phố.
Đại diện lãnh đạo UBND TP. Nha Trang cho biết, trong năm 2022, thành phố xây dựng kế hoạch nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến thời gian thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Qua đó, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch cho công tác quản lý, thu gom chất thải rắn sinh hoạt, góp phần BVMT đô thị. Thời gian tới, thành phố sẽ tập trung phát triển kinh tế – xã hội gắn với BVMT bền vững, từng bước hướng đến phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh; tăng cường năng lực quản lý môi trường, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao nhận thức về BVMT cho cộng đồng dân cư; tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị – xã hội trong hoạt động BVMT; tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về BVMT; áp dụng khoa học công nghệ vào xử lý chất thải… UBND thành phố cũng yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá và lập kế hoạch đầu tư các hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thu gom nước mưa; xem hạng mục thoát nước thải là hạng mục bắt buộc trong quá trình đầu tư cơ sở hạ tầng, khu đô thị mới, qua đó từng bước kiểm soát nước thải sinh hoạt, đặc biệt tại các đầm, vịnh và các khu vực ven biển…
Đoàn Hương (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị