TP. Huế: Thi công phố đi bộ Hai Bà Trưng sẽ ảnh hưởng vận chuyển cấp cứu?

Như Reatimes đã thông tin, UBND TP. Huế đã quyết định mở thêm tuyến phố đi bộ tại trục đường Hai Bà Trưng, phường Vĩnh Ninh; tổng mức đầu tư gần 97 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư ngân sách tỉnh và thành phố.

Công trường thi công tuyến phố đi bộ Hai Bà Trưng, TP. Huế .(Ảnh: Đình Toàn)

Với việc mở thêm tuyến phố đi bộ đường Hai Bà Trưng, cùng với hai tuyến phố đi bộ – phố đêm “Phố Tây” Huế trên địa bàn phường Phú Hội thuộc 3 trục đường chính là Võ Thị Sáu – Chu Văn An – Phạm Ngũ Lão; phố đêm Hoàng thành Huế nằm tại 4 trục đường quanh Đại nội Huế là Lê Huân – Đặng Thái Thân – 23 tháng 8 – Đoàn Thị Điểm (hiện mới khai thác chủ yếu ở đường Lê Huân), lãnh đạo TP. Huế muốn khai thác kinh tế đêm, cũng như gia tăng các dịch vụ, thiết chế phục vụ cộng đồng, du khách.

Vào đầu tháng 10/2022, công trình này đã chính thức khởi công xây dựng bởi liên danh nhà thầu Công ty Cổ phần Xây dựng Dịch vụ thương mại 68 – Công ty TNHH Xây dựng Thành Ngân; thời gian dự kiến hoàn thành dự kiến khoảng 3 tháng, kịp bàn giao để thành phố tổ chức lễ hội countdown chào đón năm mới 2023. Theo quy mô và phương án đầu tư xây dựng, TP. Huế sẽ chỉnh trang tuyến đường Hai Bà Trưng với chiều dài toàn tuyến khoảng 850m.

Phối cảnh bố đi bộ Hai Bà Trưng sau khi hoàn thành.

Công trình bao gồm 3 khu vực, trong đó khu A (từ đường Phan Đình Phùng đến đường Nguyễn Huệ) bao gồm các hạng mục chỉnh trang, như lát đá vỉa hè, thảm bê tông nhựa mặt đường, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật; làm mới hệ thống điện chiếu sáng đường và vỉa hè bằng đèn Led, bố trí đèn chiếu sáng và quấn cây khi có lễ hội; đầu tư hệ thống camera quan sát; bố trí ô cây, bãi đỗ xe theo thiết kế…

Khu B (từ đường Nguyễn Huệ đến đường Ngô Quyền), tập trung chỉnh trang lát đá toàn bộ vỉa hè và mặt đường, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật; đầu tư hệ thống camera quan sát; xây dựng các ô cây – dải cây… Ngoài ra, khu vực này sẽ bố trí các điểm tiện ích công cộng như bảng thông tin ở 2 đầu tuyến đường, quầy thông tin dịch vụ kết hợp WC di động, xe dịch vụ di động, modul ghế ngồi có mái che, chòi nghỉ kết hợp điểm nhấn ánh sáng… Đồng thời, chỉnh trang công viên đối diện khách sạn Parkview, bao gồm lát đá toàn bộ công viên, bố trí hệ thống phun nước âm, điện chiếu sáng, trang trí theo thiết kế.

Khu C (từ đường Ngô Quyền đến đường Hà Nội) – giai đoạn 2, sẽ lát đá vỉa hè, thảm nhựa đường, cải tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đầu tư hệ thống camera quan sát, hệ thống biển báo, sơn kẻ đường giao thông trên tuyến theo quy chuẩn…

Tuyến phố đi bộ đường Hai Bà Trưng vốn dĩ nối dài từ đường Phan Đình Phùng sát bờ sông An Cựu đến đường Hà Nội (trục đường trung tâm của TP. Huế). Trên chiều dài tuyến đường này đi ngang 2 cổng chính vận chuyển cấp cứu, vào ra của bệnh nhân và người nhà của Bệnh viện Trung ương Huế. Người dân và một số sở, ngành từng có ý kiến việc tổ chức phố đi bộ cần tránh ảnh hưởng đến việc vận chuyển cấp cứu bệnh nhân, nhất là khi phân luồng, chặn xe ở những khung giờ quy định hoạt động tuyến phố.

Đoạn đường Hai Bà Trưng trước mặt cổng cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế và bên dự án “Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng” sẽ rất khó đảm bảo vận chuyển cấp cứu bệnh nhân khi thi công chỉnh trang phố đi bộ Hai Bà Trưng. (Ảnh: Đình Toàn)

Sáng 31/10, trao đổi với PV Reatimes về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP. Huế, ông Võ Lê Nhật khẳng định, UBND thành phố đã có phương án và tuyến phố đi bộ sẽ không ảnh hưởng đến việc vận chuyển cấp cứu, vào ra Bệnh viện Trung ương Huế. Theo đó, điểm đầu của tuyến phố giáp đường Phan Đình Phùng, điểm cuối là trước Rạp chiếu phim – Cinestar, gần chợ Hai Bà Trưng, nên việc này không ảnh hưởng đến vận chuyển cấp cứu.

Mặc dù khi tổ chức hoạt động tuyến phố đi bộ Hai Bà Trưng sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển cấp cứu, nhưng quá trình thi công, chỉnh trang tuyến phố, đào đắp, lát đá vỉa hè… hẳn sẽ ảnh hưởng đến việc vận chuyển cấp cứu. Đây cũng là điều đơn vị thi công hiện đang rất lo ngại. Đại diện đơn vị thi công trên công trình này cho hay, nguyên nhân là tuyến đường Hai Bà Trưng vốn rộng, dễ tổ chức thi công, nhưng khi đến đoạn trước cổng cấp cứu Bệnh viện Trung ương Huế (đoạn đường 1 chiều từ đường Ngô Quyền đến đường Hà Nội) lại bó hẹp giữa một bên là tường rào bệnh viện, một bên là tường rào Công viên Kim Đồng (đang triển khai dự án “Khu văn hóa đa năng Công viên Kim Đồng”).

Nếu tập kết phương tiện máy móc, vật liệu thi công, sau đó đào đắp thi công hẳn sẽ ảnh hưởng đến việc vận chuyển cấp cứu bệnh nhân vào ra bệnh viện. “Hiện chúng tôi chưa biết phải tính toán làm sao để thi công đoạn này, chúng tôi sẽ xin ý kiến lãnh đạo thành phố”, một thành viên nhà thầu thi công bộc bạch./.

Nguồn: Realtimes.vn
Bạn cũng có thể thích