TP Hồ Chí Minh ghi nhận 21 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

TP Hồ Chí Minh ghi nhận 21 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

MTĐT –  Chủ nhật, 18/09/2022 20:29 (GMT+7)

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, tính từ đầu năm 2022 đến nay, toàn TP ghi nhận 21 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết

Theo báo cáo về tình hình bệnh truyền nhiễm trong tuần 37 (từ ngày 5 đến 11/9) của Sở Y tế TP.HCM, TP ghi nhận có 2.579 ca bệnh sốt xuất huyết mới (gồm 1.194 ca nội trú và 1.385 ca ngoại trú), giảm 11,9% ca so với trung bình 4 tuần trước (2.928 ca), số ca nội trú giảm 21,8% và ngoại trú giảm 1,2%.

Trong đó, 17/22 quận, huyện có số mắc sốt xuất huyết giảm so với trung bình bốn tuần trước và 5/22 quận, huyện có số mắc trong tuần tăng so với trung bình 4 tuần trước. Số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy đến tuần 37 là 54.026 ca (29.801 ca nội trú và 24.225 ca ngoại trú), tăng 536,7% so với cùng kỳ năm 2021 là 8.485 ca.

Trong tuần 37, thành phố ghi nhận 2 ca mắc sốt xuất huyết tử vong. Như vậy, số ca sốt xuất huyết tử vong từ đầu năm đến tuần 37 tại thành phố là 21 ca, tăng 17 ca so với cùng kỳ năm 2021 (4 ca).

tm-img-alt
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sở Y tế TP.HCM tiếp tục yêu cầu quận, huyện và Thành phố Thủ Đức tăng cường truyền thông và phòng chống sốt xuất huyết nhằm kéo giảm số ca mắc, tử vong.

Dành 10 – 15 phút mỗi tuần để dọn dẹp nơi mình làm việc, sinh sống, từ trong nhà đến xung quanh nhà, không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi như: lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng ít nhất 1 lần/tuần, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối; đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng, muỗi.

Đối với những nơi chứa nước không dùng để uống, sinh hoạt có thể thả cá để diệt lăng quăng. Sử dụng bình xịt muỗi, nhang muỗi, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay,… và ngủ màn kể cả ban ngày để phòng tránh muỗi đốt.

Trong trường hợp bị sốt hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn điều trị và không tự ý điều trị tại nhà.

Với bệnh tay chân miệng, trong tuần 37 ghi nhận 311 ca (gồm 32 ca bệnh tay chân miệng nội trú, 279 ca ngoại trú), giảm 28% so với trung bình 4 tuần trước (432 ca). Trong đó số nội trú giảm 25,1% và số ca ngoại trú giảm 28,3%. Số ca mắc tay chân miệng tích lũy đến tuần 37 là 13.720 ca, tăng 41% so với cùng kỳ 2021 (9.731 ca). Không ghi nhận ca tử vong do bệnh tay chân miệng.

Với bệnh sốt phát ban nghi sởi, trong tuần 37, thành phố không ghi nhận sốt phát ban nghi sởi. Cộng dồn đến tuần 37, thành phố có 12 ca sốt phát ban nghi sởi, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2021 (15 ca).

Số ca bệnh sởi giảm dần qua các năm sau chiến dịch tiêm vắc xin sởi năm 2018 (năm 2019 có 6.918 ca, năm 2020 có 478 ca và năm 2021 có 17 ca).

Với dịch bệnh Covid-19, trong tuần 37, thành phố ghi nhận 618 ca bệnh xác định nhiễm SARS-CoV-2 được Bộ Y tế công bố và 337 ca test nhanh dương tính có yếu tố dịch tễ, không có ca nhập cảnh. Số ca tích lũy trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 (tính từ ngày 29/4/2021 đến ngày 11/9/2022) là 613.637 ca, trong đó có 612.798 ca trong nước (tỉ lệ 99,86%), 839 ca nhập cảnh (tỉ lệ 0,14%).

Song Lam

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích