TP. Hồ Chí Minh: Đề xuất nhiều chính sách về nhà đất
TP. Hồ Chí Minh: Đề xuất nhiều chính sách về nhà đất
Theo dõi MTĐT trên
TP.HCM đề xuất hàng loạt chính sách nhằm khơi thông nguồn lực và tạo đà phát triển trở lại, để xứng với vị trí đầu tàu về kinh tế – xã hội của cả nước nói chung và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng.
UBND TP.HCM vừa trình Bộ KH&ĐT hồ sơ dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM.
Theo đó, chính quyền TP đưa ra khoảng 52 đề xuất, trong đó đáng chú ý là chín nội dung đề xuất liên quan đến lĩnh vực quản lý đầu tư, 15 nội dung về lĩnh vực quản lý đô thị và môi trường, 14 đề xuất liên quan đến lĩnh vực tài chính…
Đối với 14 nội dung trong lĩnh vực tài chính, TP.HCM đề xuất một nội dung đáng chú ý là việc thu thuế đối với cá nhân sở hữu nhà thứ hai. Cụ thể, TP đưa ra hai phương án sau:
Phương án 1: Thí điểm thu thuế đối với nhà và đất mà chủ sở hữu không trực tiếp sử dụng cho cá nhân và gia đình (nhà đất thứ hai trở lên).
Phương án 2: Chấp thuận cho TP tăng mức thu liên quan đến nhà đất thứ hai trở lên gồm lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất…
Với phương án 1, chính quyền TP.HCM nhận định có ba thách thức gồm: Việc bảo đảm điều chỉnh bất cập về bất bình đẳng trong hệ thống thuế hiện hành vì chưa quy định việc đánh giá, phân biệt rõ đối với tài sản thứ hai trở lên; khả năng bảo đảm nguồn thu so với các sắc thuế hiện hành (bảo đảm điều chỉnh đúng đối tượng và góp phần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước); công tác quản lý và công tác thực hiện thu cũng còn phải rà soát kỹ lưỡng: Cơ sở dữ liệu về nhà ở, quy định về việc định giá nhà đất, thông tin nhà đất trên phạm vi một TP và sự liên kết thông tin với các địa bàn khác.
Vì vậy TP lựa chọn phương án 2, bởi trước mắt có thể xem xét điều chỉnh hành vi đầu cơ nhà đất trên địa bàn để làm cơ sở, tiền đề cho việc ban hành sắc thuế mới. Chính sách này cũng giúp điều tiết được hành vi của một bộ phận trong việc quản lý, sử dụng nhà đất trên địa bàn. Tạo thêm cơ sở thực tiễn khi tổng kết, đánh giá việc ban hành chính sách để điều tiết hành vi đầu cơ nhà đất trên các địa phương; đóng góp thêm vào khoản thu ngân sách nhà nước để phục vụ các nhiệm vụ chi trên địa bàn…
“Ngoài ra, lựa chọn phương án 2 cũng để có cơ sở đánh giá hiệu quả thu ngân sách nhà nước cũng như phục vụ công tác xác định chính xác đối tượng thu, mức thu thì cần thiết phải có cơ sở dữ liệu liên quan đến bất động sản trên địa bàn TP…” – chính quyền TP lý giải.
Tuệ Lâm (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị