TP. Hồ Chí Minh: Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn trong xây dựng
Kiện toàn hệ thống quản lý an toàn xây dựng
Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp chặt chẽ trong công tác tuyên truyền, phổ biến đến hội viên, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu và cấu kiện xây dựng. Các đơn vị cần kiện toàn hệ thống quản lý công tác an toàn xây dựng, đảm bảo đủ năng lực theo quy định của pháp luật, và quy định rõ trách nhiệm về an toàn xây dựng đến từng bộ phận, tổ, đội và các cá nhân quản lý, trực tiếp thi công, sản xuất.
Đảm bảo an toàn trong thi công và sản xuất vật liệu xây dựng. Ảnh minh họa
Theo đó, các hoạt động tuyên truyền, huấn luyện về an toàn xây dựng cần được tổ chức thường xuyên, nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về an toàn xây dựng trong từng bộ phận, tổ, đội và người lao động. Việc này giúp đảm bảo mọi quy định, quy trình, và biện pháp an toàn xây dựng phù hợp với các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật hiện hành.
Việc tự kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn xây dựng tại đơn vị là rất quan trọng. Điều này giúp chủ động kiểm soát, phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, ngăn ngừa các nguy cơ gây tai nạn lao động trên công trường và trong nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng.
Công tác bảo trì công trình xây dựng, dây chuyền công nghệ cũng cần được rà soát, hoàn thiện quy trình và biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa. UBND TP. Thủ Đức và các quận, huyện, cùng Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp cần tăng cường tổ chức kiểm tra, tuyên truyền, và hướng dẫn việc thực hiện các quy định pháp luật, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn trong hoạt động xây dựng, vận hành, sửa chữa máy móc, thiết bị công nghệ, và quy trình xử lý sự cố.
Quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về an toàn trong xây dựng
Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 16/2021/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 20 tháng 6 măm 2022, thay thế Thông tư số 14/2014/TT-BXD, kèm theo QCVN 18:2021/BXD về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia An toàn trong xây dựng. Quy chuẩn này quy định các yêu cầu về kỹ thuật và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng cho người lao động và khu vực lân cận công trường.
Theo quy chuẩn, người sử dụng lao động phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để đảm bảo an toàn cho người lao động, đặc biệt đối với các công việc có nguy cơ gây bệnh tật, suy giảm sức khỏe. Các yếu tố gây hại cho sức khỏe bao gồm: vi khí hậu bất lợi, tiếng ồn, bụi, các chất hóa học độc hại, tâm sinh lý, và ec-gô-nô-my. Các biện pháp bảo vệ phải được triển khai đầy đủ, từ mũ bảo hiểm, kính bảo vệ, găng tay, quần áo bảo hộ, đến phương tiện bảo vệ thính lực và hô hấp.
QCVN 18:2021/BXD cũng quy định rõ về việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Các đơn vị thi công phải thiết lập bộ phận y tế hoặc cung cấp dịch vụ y tế phù hợp, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người lao động, và giám sát sức khỏe để đảm bảo phù hợp với loại công việc được giao.
Duy Trinh (t/h)