TP.HCM: Xuyên đêm kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm ở các chợ đầu mối
Đêm 25/1 và rạng sáng 26/1, Đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM và lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã đến hai chợ đầu mối Bình Điền (huyện Bình Chánh) và Hóc Môn (huyện Hóc Môn) để làm việc, kiểm tra vấn đề cung ứng hàng hóa, tình hình đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) để phục vụ người dân giai đoạn trước và trong Tết Nguyên đán.
Đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM dẫn đầu cùng Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM là bà Phạm Khánh Phong Lan. |
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, vấn đề buôn bán tự phát xung quanh các Chợ đầu mối này, TP.HCM đã nằm và thành lập tổ công tác đặc biệt, có lãnh đạo các ban ngành liên quan tham gia, bao gồm cả công an để tìm cách xử lý. |
Theo ông Dũng, thời điểm cận Tết, ban quản lý các chợ đầu mối cần theo sát tình hình thị trường để có sự chuẩn bị, điều chỉnh cho phù hợp. Luôn đảm bảo nguồn hàng hóa, tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, làm cho giá cả biến động. |
Liên quan đến vấn đề buôn bán tự phát, bà Phạm Khánh Phong Lan – Giám đốc Sở ATTP TP.HCM cho biết, ngoài việc đẩy mạnh kiểm soát trực tiếp trong thời gian tới, Sở ATTP TP.HCM còn gián tiếp xử lý tình trạng này bằng cách đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên thị trường. Nếu người mua nói mua ở chợ Bình Điền phải cung cấp thông tin mua ở đâu, có hóa đơn chứng từ hay không. |
Theo bà Phong Lan, Sở có tổng cộng 10 đội quản lý. Riêng hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn đã có 2 đội quản lý riêng, hoạt động 24/24. Các đội này phụ trách lấy mẫu kiểm nghiệm, kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất các sạp hàng về việc đảm bảo ATTP, xử lý nếu có sai phạm. |
Ngoài các động thái kiểm tra, giám sát từ cơ quan chức năng, bà Phong Lan cho rằng, người dân cũng phải lựa chọn thực phẩm có trách nhiệm, nhận thức được việc mua thực phẩm có nguồn gốc, biết bảo quản an toàn, chế biến đúng cách… |
“Năm nay kinh tế rất khó khăn, chắc chắn sẽ có việc thắt lưng buộc bụng. Nhưng thà chúng ta ăn ít lại một chút nhưng an toàn, mua những nơi hợp pháp và đủ chất lượng. Nếu chúng ta tiết kiệm được 1 đồng hôm nay nhưng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mấy chục năm sau, như vậy rất đáng tiếc”, bà Phong Lan khuyến cáo. |
Tại buổi làm việc, ông Phan Thành Tân – Giám đốc Công ty Chợ Bình Điền báo cáo tình hình sản lượng hàng hóa và kinh doanh vẫn chưa tăng so với quy mô chợ Bình Điền, nguyên nhân do ảnh hưởng của COVID-19, kinh tế – xã hội giai đoạn hậu COVID-19 chưa phục hồi hoàn toàn. |
Ngoài ra, những khu vực xung quanh chợ xuất hiện mua bán tự phát trái phép hàng hóa nông sản, các thương nhân bức xúc, khiếu kiện do việc này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp và chính đáng của thương nhân. (Trong ảnh: Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra thực địa một chủ sạp bán hải sản tại chợ đầu mối). |
“Tôi mong Lãnh đạo các cấp xem xét, chỉ đạo thực hiện giải tỏa dứt điểm chợ tự phát xung quanh chợ, giúp các thương nhân được hoạt động công bằng, ổn định, phát triển”, ông Tân đề xuất. |
Hơn 20 năm buôn bán tại chợ, ông Tô Văn Bân (sinh năm 1979, quê Trà Vinh) kể, thời gian đầu bán ở chợ rất được, đem về lợi nhuận cao. Thời gian sau COVID-19, nên lượng hàng bán ra giảm nhiều nên doanh thu cũng giảm. Nguyên nhân bán giảm là do chợ tự phát xung quanh chợ mọc lên rất nhiều. Chợ tự phát vừa không đảm bảo về nguồn gốc cũng như xuất xứ của thực phẩm cũng như gây bát nháo mất mỹ quan đô thị. |
“Chợ tự phát bán phá giá và không đảm bảo rõ nguồn gốc xuất xứ. Mọi người nên mua đồ trong chợ vì chúng tôi đều được quản lý biết đầu vào, có giấy phép đầy đủ và hàng hóa đảm bảo chất lượng”, anh Bân nói. |
Ông Nguyễn Văn Sắc – Đội trưởng đội quản lý số 10 tại Chợ Bình Điền cho biết, đội có 20 nhân viên, trước dịch có 1.500 sạp, sau COVID-19 bà con cũng nghỉ đi nhiều. Thời gian làm việc của anh em phụ thuộc vào thời gian hàng vào chợ. Công việc chủ yếu kiểm soát các mặt hàng như chả cá, mực để tránh ướp oxy già, hàn the hoặc ngâm chất tẩy rửa… |
Đoàn công tác tiếp tục di chuyển đến Chợ đầu mối Hóc Môn để kiểm tra. Tại đây, ông Lê Văn Tiển – Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh Chợ đầu mối Nông sản thực phẩm Hóc Môn cho biết, xung quanh chợ hiện nay có một số điểm kinh doanh không phép, sử dụng nước giếng ngầm chưa qua xử lý và thải trực tiếp ra cống rãnh gây ô nhiễm, buôn bán hàng hóa không có nguồn gốc rõ ràng, lấn chiếm lòng lề đường, vứt rác thải bừa bãi… |
Ông Tiển đề nghị cơ quan chức năng xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán tự phát ở lòng lề đường, vỉa hè, cũng như hành vi vi phạm vệ sinh môi trường. |
Ông Nguyễn Văn Hòa – Đội trưởng đội quản lý số 9 tại Chợ đầu mối Hóc Môn chia sẻ, đội của anh Hòa có 13 người, tùy vào thời gian các mặt hàng mà anh em vào ca khác nhau. |
Theo ông Hòa, đối với ngành hàng thịt heo, các hộ kinh doanh trong chợ đảm bảo nguồn thịt heo tươi nhập chợ từ các cơ sở giết mổ, nhà máy giết mổ hợp pháp. Thịt heo nhập chợ phải là thịt heo tươi, được đeo vòng nhận diện, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm tra của thú y đúng theo quy định và phải qua kiểm tra của Đội 9 trước khi vào chợ. |
“Tất cả các xe chở thịt, cơ sở vật chất quầy sạp, chợ thịt luôn được vệ sinh tiêu độc khử trùng hàng ngày đúng theo qui định, dụng cụ trang thiết bị kinh doanh, chế biến của thương nhân đều được vệ sinh hàng ngày”, ông Hòa cho hay. |
Đội quản lý kiểm tra thông tin nguồn gốc hàng hóa. |
Tuy nhiên, tình hình an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập. Các điểm kinh doanh tự phát buôn bán thịt heo sống dọc theo tuyến đường số 3 và số 12… nguồn thịt heo chủ yếu lấy từ các lò giết mổ thủ công, lò giết mổ lậu không rõ nguồn gốc, một số điểm kinh doanh không có giấy phép kinh doanh, không phải thực hiện nghĩa vụ thuế. |
Việc sơ chế (pha lóc) và bày bán chủ yếu để trên sàn nhà hay ngay trên lề đường, sử dụng nước giếng ngầm chưa qua xử lý nên không đảm bảo ATTP. |
Để đảm bảo ATTP cho người dân, Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATTP, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn. |
Dưới đây là một số hình ảnh của Đoàn công tác khi đến kiểm tra giám sát tình hình ở 2 cơ sở Chợ Bình Tây (quận 6) và siêu thị AEON Mall (quận Bình Tân), ngày 26/1:
Sáng 26/1, Sở ATTP TP.HCM tiếp tục đi kiểm tra giám sát tình hình ATTP tại một số chợ và siêu thị trên địa bàn TP.HCM gồm Chợ Bình Tây (quận 6), siêu thị AEON Mall (quận Bình Tân). Báo cáo với Đoàn công tác của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, Ban Quản lý Chợ Bình Tây (quận 6) cho biết, thời gian cuối năm, đơn vị đã phối hợp và hỗ trợ đoàn kiểm tra liên ngành về lĩnh vực ATTP của địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2024. Quá trình kiểm tra, Đoàn đã tiến hành lấy 20 mẫu mì sợi tươi, tàu hủ, chả lụa, test nhanh định tính hàn the, 8 mẫu mứt test nhanh định tính phẩm màu. Kết quả, các mẫu thực phẩm đều âm tính. Ban Quản lý chợ cũng tiến hành tự kiểm tra, lập 83 biên bản nhắc nhở các hộ kinh doanh thực phẩm về các quy định, điều kiện đảm bảo ATTP trong kinh doanh. |
Nguồn: Báo lao động thủ đô