TP.HCM: Xây dựng gần 500m kè kiên cố đoạn kênh Thanh Đa bị sạt lở
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 90 tỷ đồng, bao gồm xây dựng kè kiên cố, hệ thống thoát nước và khuôn viên cây xanh, không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng thay thế công trình kẻ mềm hiện tại.
Bờ kè đoạn kênh Thanh Đa bị sạt lở, gây nguy hiểm đến đời sống người dân. (Nguồn: Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh) |
Thành phố Hồ Chí Minh sẽ xây dựng kiên cố gần 500m kè đoạn kênh Thanh Đa bị sạt lở hồi tháng 6 vừa qua.
Nội dung này vừa được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận trong văn bản khẩn gửi các đơn vị, địa phương liên quan về giải pháp khắc phục sạt lở nguy hiểm khu vực kênh Thanh Đa – đoạn 1.1 thuộc Phường 25, Quận Bình Thạnh.
Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương xây dựng kiên cố tuyến kè kênh Thanh Đa – đoạn 1.1 với chiều dài 478m, phạm vi giải tỏa mặt bằng của dự án là 10m tính từ đỉnh kè vào phía bờ.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 90 tỷ đồng, bao gồm xây dựng kè kiên cố, hệ thống thoát nước và khuôn viên cây xanh, không bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng thay thế công trình kẻ mềm hiện hữu.
Ủy ban Nhân dân Thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo Trung tâm Quản lý Đường thủy lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án, trình cấp thẩm quyền chấp thuận làm cơ sở triển khai thực hiện trong tháng 8/2023; Cơ quan Thường trực Phòng, chống Thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cập nhật thông tin vào danh mục các vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn thành phố.
Ủy ban Nhân dân quận Bình Thạnh có trách nhiệm khẩn trương tổ chức thực hiện di dời các hộ dân nằm trong phạm vi nguy cơ sạt lở nguy hiểm nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản người dân và hạ tải tác động lên công trình; tiếp tục rào chắn khu vực sụt lún; thực hiện thống kê quy mô, diện tích đất, kết cấu công trình, vật kiến trúc… làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Vụ sạt lở kênh Thanh Đa được phát hiện ngày 22/6 trên hành lang mặt kè đoạn 1.1. Khu vực này xảy ra sụt lún, chuyển vị của công trình kè và khu vực tiếp giáp kè.
Tuyến đỉnh kè chuyển vị ra phía kênh theo phương ngang khoảng 1,89m so với tim tuyến kè thiết kế; hành lang kè bị lún khoảng 1,26m so với cao độ hành lang mặt kè thiết kế.
Phạm vi khu vực sạt lở có chiều dài khoảng 168m dọc theo tuyến kè, rộng 15m từ đỉnh kè vào trong bờ.
Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thời gian qua, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng-Kỹ thuật Biển (Portcoast) đã thực hiện khảo sát địa hình, địa chất, quan trắc và tính toán, kiểm tra độ ổn định công trình khu vực này.
Tư vấn đã chỉ ra một số nguyên nhân như công trình hiện hữu có thời gian khai thác dài khoảng 15 năm, kết cấu và vật liệu đã lão hóa, giảm khả năng liên kết và dễ bị ảnh hưởng khi có tác động tiêu cực từ bên ngoài như sóng, dòng chảy, chế độ triều, gia tăng tải trọng do xây dựng…
Thời điểm xảy ra sụt lún là mùa mưa bão, có mưa lớn nhiều ngày, kết hợp với việc không có hệ thống thoát nước trong khu vực dân cư sau kè làm cho nước thoát chậm, ngập úng làm cho đất phía sau kè bão hòa nước, gây ra chênh mực nước lớn khi triều kiệt, làm gia tăng áp lực ngang lên kè.
Khu vực sụt lún xuất hiện lớp sét yếu, tính dẻo vừa, trạng thái dẻo chảy đến dẻo mềm. Việc gia tăng áp lực ngang lên định kè kết hợp với địa chất trên nền đất yếu làm khối đất sau kè bị lún sụt, mất cân bằng kéo theo sự lún sụt của công trình kè.
Ngoài ra, tư vấn đánh giá, hệ số ổn định của công trình hiện tại nhỏ hơn hệ số ổn định cho phép theo quy định nên công trình và khu vực nhà dân lân cận vẫn có nguy cơ trượt ra phía lòng kênh.
Một số yếu tố khác cũng được chỉ ra như tuyến kênh Thanh Đa là đoạn nối tắt của sông Sài Gòn nên lượng phương tiện thủy qua tuyến là rất lớn, phương tiện di chuyển tạo sóng gây nhiều áp lực ảnh hưởng đến độ ổn định công trình kè.
Năm 2005, khu vực này bị sạt lở nghiêm trọng, công trình triển khai cấp bách nên phạm vi giải tỏa chỉ từ đỉnh kè vào trong bờ chỉ được 3,5m; ngoài phạm vi giải tỏa vẫn còn tồn tại những công trình nhà hiện hữu gây nên tải trọng lớn tác động lên kè./.
Nguồn: Báo xây dựng