TP.HCM: Tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi còn thấp
UBND TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình chuẩn bị, thực hiện các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Theo đó, hiện TP.HCM triển khai thực hiện 6 dự án ODA, trong đó 4 dự án nhóm A có tổng vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng và 2 dự án nhóm B. Tổng vốn đầu tư là 117.566 tỷ đồng; trong đó vốn ODA là 98.154 tỷ đồng, vốn đối ứng là 19.412 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân đến ngày 30/9, vốn vay ODA là 2.116,521 tỷ đồng, lũy kế giải ngân đạt 38,12% so với kế hoạch vốn được giao.
Theo UBND TP.HCM, trong 9 tháng năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn đối ứng các dự án ODA còn thấp so với kế hoạch các nguồn vốn đã giao năm 2023 (riêng vốn ODA cấp phát có tỷ lệ giải ngân tương đối phù hợp kế hoạch 67,45%).
Tuyến Metro số 1 của TP.HCM hiện vẫn còn một số vướng mắc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Một số nguyên nhân chính như sau: Đối với dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên) do tồn tại của các gói thầu thi công, đặc biệt là gói thầu CP1a (Phòng cháy chữa cháy, tường vây). Nội dung liên quan đến điều chỉnh giá các hợp đồng của dự án chưa được giải quyết dứt điểm do Bộ Xây dựng vẫn chưa ban hành chỉ số giá cho công trình metro (từ khi bắt đầu dự án cho đến nay) dẫn đến khó khăn trong việc xác định chỉ số giá để tiến hành điều chỉnh giá cho tất cả hợp đồng (hiện nay chỉ thanh toán tạm 70% giá trị điều chỉnh giá sử dụng chỉ số giá của Tổng cục Thống kê ban hành).
Gói thầu CP3 với đặc điểm trong hợp đồng được ký kết giữa các bên, chỉ có thể tiến hành thanh toán khi nhà thầu hoàn thành 100% một hạng mục công việc/mốc thanh toán lớn. Ví dụ hiện nay có những hệ thống đã được nhà thầu nhập khẩu thiết bị đến 95% nhưng vẫn chưa thể thanh toán do đặc điểm trên.
Ngoài ra, đối với công tác thi công lắp đặt tại công trường, do đặc tính là gói thầu thiết bị, sau khi hoàn thành lắp đặt phải có kết quả thử nghiệm hệ thống mới có thể tiến hành thanh toán chứ không thể thanh toán cho phần lắp đặt thiết bị. Do đó, tỷ lệ thanh toán của gói thầu CP3 hiện tại vẫn chưa theo kịp tiến độ thi công của gói thầu này (Tỷ lệ thanh toán vào khoảng 54% tổng giá trị hợp đồng so với lũy kế thi công khoảng 90%).
Hiện nay, Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP đang tích cực hỗ trợ nhà thầu phân tách các mốc thanh toán của hợp đồng để gia tăng tỷ lệ giải ngân của gói thầu này. Việc các gói thầu xây lắp chậm giải ngân ảnh hưởng đến công tác giải ngân của nguồn vốn đối ứng cho nội dung trả thuế VAT của các gói thầu này.
Đối với dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến Bến Thành – Tham Lương) do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng tại địa bàn Quận 3 và giao đất quốc phòng để thực hiện dự án vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng đến việc bàn giao mặt bằng sạch cho Ban Quản lý đường sắt đô thị thực hiện công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật.
Đối với dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Tàu Hủ – Bến Nghé – Đôi – Tẻ (giai đoạn 2), công tác giải ngân bị ảnh hưởng liên quan đến việc giải quyết kiến nghị về “Chi phí chờ của máy móc thiết bị và nhân sự do gặp chướng ngại vật không lường trước”.
Đối với dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM – giai đoạn 2, việc giải ngân vốn đối ứng chưa cao do ảnh hưởng từ việc chưa thanh toán thuế cho nhà thầu thực hiện dự án.
Ngọc Anh