TP.HCM trình Thủ tướng đề án nghiên cứu xây cảng biển ở Cần Giờ

TP.HCM trình Thủ tướng đề án nghiên cứu xây cảng biển ở Cần Giờ

Ngày 23/8, Văn phòng UBND TPHCM cho biết đã trình Thủ tướng đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Theo tờ trình của UBND TPHCM, vị trí đặt Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ tại khu vực Cù lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Đây là khu vực nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ nên không ảnh hưởng trực tiếp đến vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển này.

Dự án có quy mô 7 km cầu cảng và 2 km bến sà lan với nhu cầu sử dụng đất khoảng 571 ha. Cảng có thể tiếp nhận tàu container lớn nhất thế giới hiện nay là 250.000 DWT (tương đương 24.000 TEU – một TEU tương đương container loại 20 feet), tàu trung chuyển có tải trọng từ 10.000 – 65.000 tấn và sà lan tải trong 8.000 tấn.

Tổng mức đầu tư siêu cảng này ước tính gần 129.000 tỉ đồng – tương đương hơn 5,45 tỉ USD, do Tập đoàn MSC – hãng tàu container tốp đầu thế giới đề xuất đầu tư.

Kế hoạch đầu tư cảng trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, dự kiến phân kì đầu tư trong 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 trước năm 2030 đầu tư 2/7 bến chính. Cụ thể, chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2023 – 2024, xây dựng giai đoạn 2024 – 2026 và khai thác cảng từ năm 2027.

Giai đoạn 2 sau năm 2030 đến 2045 sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các bến chính còn lại. Khi khai thác hết công suất vào năm 2047, mỗi năm Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ góp ngân sách 34.000 – 40.000 tỉ đồng thông qua các khoản thuế, phí, lệ phí.

tm-img-alt
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Ảnh: Portcoast

Ngoài ra, dự án tạo việc làm cho khoảng 6.000 – 8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng và tạo hàng chục nghìn việc làm cho lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan…

Ngoài khu cảng, TP.HCM cũng đầu tư các công trình phục vụ cho hoạt động khai thác cảng như khu nhà ở cán bộ, người lao động, chuyên gia dự kiến khoảng 68 ha. Khu nhà làm việc cơ quan nhà nước về cảng biển như cảng vụ hàng hải, hải quan, biên phòng cửa khẩu và cơ quan kiểm tra chuyên ngành rộng khoảng 4 ha.

Ngoài ra, còn có trung tâm đào tạo chuyên ngành hàng hải, trung tâm dịch vụ tư vấn hàng hải quy mô khoảng 10 ha.

Về nguồn vốn cho việc đầu tư cảng, công trình phụ trợ, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Nhà nước tự bỏ kinh phí hoặc huy động vốn hợp tác công tư để làm hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật kết nối cảng.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích