TP.HCM: Triển khai Nghị định số 45 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
TP.HCM: Triển khai Nghị định số 45 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Nghị định 45/2022 tăng mức xử phạt đối với nhóm hành vi cố tình xả trộm, xả lén, xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường.
Ngày 30/9, Sở TN&MT TP.HCM đã phối hợp với Tổng cục Môi trường, Thanh tra Bộ TN&MT tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) cho đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, TP.Thủ Đức và các xã, phường, thị trấn…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã thông tin khái quát những điểm mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, quan điểm của Luật này là chuyển dần từ quản lý nhà nước trong lĩnh vực môi trường từ mệnh lệnh hành chính sang các công cụ quản lý, công cụ kinh tế, quy luật kinh tế thị trường…
Trong đó, lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác BVMT; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động BVMT; chú trọng việc thay đổi phương thức quản lý các dự án đầu tư dựa vào tiêu chí môi trường để phân loại thành 04 nhóm dự án đầu tư… giúp cho các doanh nghiệp lựa chọn các dự án thân thiện với môi trường.
Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, ngay sau khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 được Quốc hội thông qua, Bộ TN&MT đã nhanh chóng soạn thảo và trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định; đồng thời, ban hành 02 Thông tư để triển khai Luật. Đặc biệt, ngày 7/7/2022, Chính phủ đã chính thức ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT (Nghị định số 45), thay thế Nghị định số 55 và Nghị định số 155.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM cho biết, trong quá trình triển khai các thủ tục pháp lý về môi trường như tổ chức thực hiện phân loại rác tại nguồn, ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt… theo quy định mới của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vẫn còn một số vướng mắc, bất cập giữa thực tiễn của TP.HCM với quy định của pháp luật. Một trong những nguyên nhân là về “cách hiểu” khác nhau dẫn đến cách thức tổ chức, triển khai khác nhau.
Vì vậy, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho rằng, Hội nghị triển khai Nghị định số 45 có ý nghĩa quan trọng, để cùng tập trung cùng nhau trao đổi, làm sáng tỏ các vấn đề còn vướng mắc, cũng như đánh giá cụ thể nguyên nhân khách quan, chủ quan là do đặc thù của TP.HCM, do tổ chức thực hiện hay do cơ chế, chính sách… liên quan đến các thủ tục pháp lý về môi trường.
Đồng thời, đây là cơ hội để đội ngũ cán bộ nắm bắt rõ hơn các quy định của pháp luật, hoàn thiện thêm kỹ năng nghiệp vụ về công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT để đi đến thống nhất cách làm giữa các cấp, các ngành, các địa phương, góp phần triển khai hiệu quả công tác cải cách hành chính của thành phố.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, sau Hội nghị này, công chức, viên chức ngành TN&MT đang công tác tại các Sở, ban, ngành thành phố, UBND quận, huyện, TP. Thủ Đức, phường, xã, thị trấn nắm bắt rõ hơn các quy định của pháp luật; phát huy hơn nữa vai trò tham mưu triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 45 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT, góp phần vào sự phát triển của thành phố.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe các báo cáo viên, lãnh đạo Tổng cục Môi trường trình bày và giải đáp những nội dung mới về quy định phân loại dự án đầu tư theo các tiêu chí về môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; các điểm mới của Nghị định số 45 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị