TP.HCM: Tránh khởi công dự án “rầm rộ” nhưng triển khai “ì ạch”
Báo cáo tại buổi giám sát, ông Lương Minh Phúc – Giám đốc BQL giao thông cho biết: Giai đoạn 2021 – 2025, BQL giao thông quản lý 162 dự án với tổng mức đầu tư hơn 74.779 tỷ đồng. Đến nay, 162 dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, với tổng số vốn hơn 26.677 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 18,71%, trong đó có 55 dự án đã và đang quyết toán, 36 dự án đang thi công, 46 dự án có vướng mắc, 23 dự án chưa khởi công và 2 dự án chuẩn bị đầu tư. Tính từ đầu năm 2023 đến tháng 3/2023 đã giải ngân được khoảng 34% tương đương giá trị giải ngân 4.777 tỷ đồng.
Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc BQL giao thông phát biểu tại buổi giám sát. |
“Trong thời gian tới, để các dự án đúng theo tiến độ đề ra, BQL đề nghị HĐND TP.HCM tiếp tục quan tâm và phân bổ vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực… Đồng thời, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công theo hướng hợp lý, bảo đảm tương quan hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, giữa các ngành, lĩnh vực góp phần giải quyết ùn tắc giao thông cũng như phát huy hiệu quả đối với các dự án”, ông Lương Văn Phúc – Giám đốc BQL giao thông đề nghị.
Tại buổi giám sát, nhiều đại biểu chỉ ra các mặt hạn chế của tất cả dự án đang trong quá trình triển khai mà bị vướng phải dừng thi công. Theo đó, đại biểu Huỳnh Hồng Thanh cho rằng, dự án cầu Nam Lý (thành phố Thủ Đức) phải “đắp chiếu” sau nhiều năm do vướng mặt bằng, không tính toán đến đường dẫn 2 bên hông cầu, dẫn đến tình trạng dừng thi công để điều chỉnh bổ sung dự án.
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Bảy cho rằng, ngoài cầu Nam Lý, hiện trên địa bàn TP.HCM còn nhiều công trình, dự án thuộc lĩnh vực giao thông do BQL giao thông phụ trách đang thực hiện dở dang như dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của; cầu Tăng Long, cầu Long Kiểng, cầu Tân Kỳ – Tân Quý và cầu Bình Tiên…
Một số đại biểu nêu hạn chế tại một số dự án đầu tư công trên địa bàn Thành phố. |
Trong khi đó, đại biểu Cao Thanh Bình đề nghị BQL giao thông cần nghiên cứu thêm giao thông đường thủy thông qua hệ thống sông, rạch của TP.HCM và hệ thống sông tiếp giáp với các tỉnh lân cận nhằm giảm bớt áp lực cho giao thông đường bộ của Thành phố trong thời gian tới. “Nếu được đây là một giải pháp mang tính đột phá, đạt hiệu quả cao trong sự phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố”, đại biểu Cao Thanh Bình đặt vấn đề.
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị BQL giao thông khẩn trương rà soát điều chỉnh thời gian thực hiện các dự án quá hạn để tránh trường hợp thi công có khối lượng nhưng không giải ngân được hay khởi công dự án “rầm rộ” rồi triển khai “ì ạch”. Đồng thời, BQL giao thông cần xác định rõ nhu cầu bố trí vốn cho dự án, khả năng thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn của các dự án theo tiến độ, đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công.
Đối với 46 dự án có vướng mắc và dự án xây dựng mới cầu Tân Kỳ Tân Quý (quận Bình Tân) được chuyển đổi hình thức đầu tư từ hợp tác – công tư (PPP) sang đầu tư công, đề nghị BQL giao thông báo cáo cụ thể bằng văn bản về tiến độ thực hiện của dự án nêu trên gửi về Thường trực HĐND TP.HCM thông qua Ban Kinh tế – Ngân sách để theo dõi, giám sát.
“Riêng đối với 27 dự án không hoàn thành, dự kiến chuyển tiếp sang giai đoạn 2026 – 2030, cũng đề nghị BQL giao thông đánh giá, báo cáo rõ nguyên nhân và đưa ra các giải pháp hữu hiệu hơn”, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô